17 septembre 2014

Báo Trung Quốc: Gạc Ma không xây được căn cứ không quân (trái phép)


Nguồn: Theo GDVN


Hồng Thủy


(GDVN) - 1 trung đoàn không quân đóng trên 1 hòn đảo nhân tạo chỉ vỏn vẹn 0,3 km vuông là điều không tưởng.


Hình minh họa.


Chuyên trang quân sự của tờ QQ News ngày 19/5 bình luận, gần đây đài BBC đưa tin về hoạt động Trung Quốc cải tạo (bất hợp pháp) biến đá thành đảo ở Gạc Ma và một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) khiến thế giới đặc biệt quan tâm.

QQ News cho rằng phản ứng của Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước sự truy vấn của phóng viên BBC về nội dung này có thể gọi là "chém đinh chặt sắt", nhưng dư luận vẫn không hết khỏi băn khoăn liệu Trung Quốc có xây dựng sân bay quân sự (bất hợp pháp) trên các đảo nhân tạo (trái phép) này hay không.

Các đảo nhân tạo ở Trường Sa quá nhỏ, không đủ xây căn cứ không quân

Tờ báo Trung Quốc bình luận, muốn giành được chiến thắng trong chiến tranh hiện đại điều cốt yếu đầu tiên là phải nắm quyền khống chế bầu trời. Nếu Trung Quốc xây dựng được căn cứ không quân ở Trường Sa thì sự thay đổi chiến lược đối với khu vực có thể nói là không thể tưởng tượng nổi.

Tuy nhiên QQ News cho rằng việc Trung Quốc cải tạo đá thành đảo ở Trường Sa không phải gần đây mới bị lộ, ngay từ 2 năm trước truyền thông Philippines đã loan báo tin này khi máy bay của họ chụp được ảnh mới nhất từ các bãi đá nơi Trung Quốc chiếm đóng (trái phép).

Hiện tại Trung Quốc đang duy trì lực lượng quân sự đồn trú (bất hợp pháp) trên 6 bãi đá và rặng san hô ở Trường Sa, bao gồm Gạc Ma, Chữ Thập, Su Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa, Châu Viên và Vành Khăn (sau khi cất quân thôn tính năm 1988, 1995).

Hình ảnh Trung Quốc cải tạo phi pháp đá Gạc Ma, Trường Sa ngày 29/7/2014.


QQ News cho rằng, trong số 7 bãi đá và rặng san hô thì hiện tại có 4 điểm Trung Quốc đã xây dựng đảo nhân tạo, bao gồm đá Gạc Ma, Tư Nghĩa, Châu Viên và Ga Ven. Mặc dù có thông tin Trung Quốc đã bắt đầu cải tạo đá Chữ Thập nhưng hiện tại vẫn chưa có bức ảnh nào chứng thực.

Từ những bức ảnh chụp hiện trường các bãi đá Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp ở Trường Sa đang lưu truyền trên internet, QQ News cho rằng hoạt động đảo hóa 4 bãi đá nêu trên đã gần hoàn thành. Có khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị bước vào giai đoạn xây dựng các công trình kiến trúc tiếp theo, nhưng không thấy dấu hiệu của đường băng, nên khó có khả năng Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ không quân tại các đảo nhân tạo này.

Ngoài ra QQ cho rằng mặc dù diện tích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các bãi đá rộng gấp vài trăm lầm nhà giàn thế hệ 3, nhưng dù đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất là Châu Viên cũng chỉ có khoảng 0,3 km vuông, còn xa mới đủ mặt bằng để xây dựng một sân bay quân sự.

Tiêu chuẩn một căn cứ không quân trên biển

Trong khi đó theo QQ News, một căn cứ không quân nhỏ của hải quân hay binh chủng không quân trong hải quân Trung Quốc thường là địa bàn hoạt động của 1 trung đoàn với khoảng 30 chiếc chiến đấu cơ, chiếm diện tích ít nhất phải từ 5 km vuông trở lên.

Đường băng sân bay phục vụ lực lượng này phải có chiều dài tối thiểu 2,5 km. Chưa kể đến bên cạnh đường băng chính còn phải có đường băng phụ, một vài nhánh đường liên lạc, đường cất cánh nhanh, nơi cất hạ cánh máy bay cảnh giới, khu vực sơ tán máy bay, kho đạn dược, nơi cất giữ máy bay, kho dầu, doanh trại...

Theo QQ News, với diện tích hiện tại nhỏ hơn 20 lần so với yêu cầu, dù Trung Quốc có tiếp tục xây thêm đường băng trái phép ở Gạc Ma và Châu Viên thì 1 trung đoàn không quân đóng trên 1 hòn đảo nhân tạo chỉ vỏn vẹn 0,3 km vuông là điều không tưởng.

Có quan điểm cho rằng Bắc Kinh có thể giảm quy mô căn cứ quân sự, chỉ cần đặt 8 chiến đấu cơ và tiết giảm tối đa các hạng mục công trình phụ trợ trên các đảo nhân tạo này. QQ News cho rằng, điều đó không phải không thể nhưng cái giá phải trả là năng lực tác chiến của căn cứ rất hạn chế. Một khi đối phương t? chức biên đội đột kích ném bom có thể tiêu diệt căn cứ này hoặc làm tê liệt sức chiến đấu của nó.

Hình ảnh được cho là các thiết bị máy móc Trung Quốc kéo ra Gạc Ma xây đảo nhân tạo phi pháp trên các diễn đàn quân sự online Trung Quốc.

Ngoài ra theo QQ News việc tổ chức mạng lưới phòng không trên 1 đảo nhân tạo có diện tích nhỏ như vậy cũng là một vấn đề khó khăn. Kể cả khi Trung Quốc xây được đảo nhân tạo diện tích 5 km vuông làm căn cứ cho 1 trung đoàn không quân như nói ở trên thì vẫn cần phải có diện tích bố trí trận địa tên lửa phòng không.

Tất cả các căn cứ không quân trọng yếu của Trung Quốc bố trí ở tiền duyên đều phải có lực lượng phòng không phối thuộc mạnh mẽ với hệ thống tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm trung, tầm xa tạo chiều sâu phòng ngự ít nhất 10 km. Chỉ có như vậy thì dù chiến đấu cơ đối phương có dùng tên lửa hành trình hay bom định vị GPS cũng khó có thể uy hiếp trực tiếp đến căn cứ.

Nhưng từ những bức ảnh chụp hiện trường Trung Quốc biến đá thành đảo bất hợp pháp ở Trường Sa, QQ News cho rằng Bắc Kinh không có cách nào tạo ra được chiều sâu phòng ngự cho các đảo này.

Dù có xây căn cứ không quân hay sân bay trái phép tại đây, tính chất của nó chỉ tương đương 1 tàu sân bay đứng im trên biển, toàn bộ năng lực phòng không phải trông chờ vào hệ thống hỏa lực phòng không trên các đảo nhân tạo, hoàn toàn không có chiều sâu phòng ngự.

Thông thường một tàu sân bay được phối thuộc khá nhiều tàu chiến mặt nước có năng lực tác chiến phòng không và tác chiến chống tàu ngầm, hình thành vòng phòng ngự không đối ngầm. Tuy nhiên cụm tàu sân bay là đơn vị tác chiến cơ động, đối phương phải có năng lực trinh sát mạnh mới có thể tổ chức tấn công nó với các loại tên lửa hành trình chống tàu sân bay có giá rất đắt.

Mặc dù một sân bay nhỏ trên các đảo nhân tạo nếu Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa được truyền thông nước này gọi là tàu sân bay không thể chìm, nhưng từ góc độ phòng ngự thì cụm tổ hợp này rất dễ bị tiêu diệt nên không thể so sánh với cụm tàu sân bay thực.

QQ News cho rằng, xung quanh quần đảo Trường Sa mặc dù Trung Quốc "không có kẻ địch mạnh", nhưng không quân Việt Nam, Malaysia đều có năng lực tấn công các mục tiêu mặt đất và trên biển khá tốt. Philippines cũng đang xây dựng lại căn cứ không quân và mua sắm chiên đấu cơ F/A-50 của Hàn Quốc rõ ràng tính toán đến khả năng tấn công trên biển.


Do đó tờ báo này cho rằng hiện tại nếu Trung Quốc muốn tăng cường khống chế (bất hợp pháp) Trường Sa thì việc nên làm là phát triển lực lượng tàu sân bay. Một cụm tàu sân bay với khoảng 50 chiếc chiến đấu cơ J-15 hoặc J-20 trong tương lai là đủ uy hiếp các nước ven Biển Đông?!

Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa nhằm mục đích gì?

Không xây được căn cứ không quân ở Gạc Ma và một số bãi đá ở Trường Sa thì việc biến đá thành đảo hao tiền tốn của này sẽ có ý nghĩa gì? QQ News đặt câu hỏi và tự trả lời, ý nghĩa của nó vô cùng lớn khi Trung Quốc có căn cứ tiền duyên cho lực lượng hải quân và hải cảnh.

Với điều kiện ở đá Gạc Ma và Châu Viên hiện tại, nếu Trung Quốc xây dựng cầu tàu có thể neo đậu các tàu hải cảnh loại 1500 tấn và các tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp 056.

Những năm gần đây Trung Quốc thường tổ chức cái gọi là tuần tra trên biển Hoa Đông và Biển Đông, nhưng vì khu vực quần đảo Trường Sa ở quá xa nên trong tương lai khi xây được căn cứ tiền duyên, Trung Quốc sẽ bố trí nhiều tàu hải cảnh, tàu hộ vệ hạng nhẹ và tiến hành tuần tra (bất hợp pháp) với tần suất dày đặc.

Tờ báo Trung Quốc bình luận, với cục diện hiện nay khu vực quần đảo Trường Sa trong tương lai gần sẽ không có chiến tranh quy mô lớn, nhưng những va chạm nhỏ sẽ tiếp tục tăng cao. Ví dụ như Philippines muốn tìm cách củng cố lực lượng đóng trên xác tàu cũ ở bãi Cỏ Mây, Trung Quốc sẽ dùng tàu hải cảnh và hải quân để ngăn chặn.

Những va chạm tương tự như vậy sẽ tiếp tục, và hệ thống đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa sẽ tăng cường khả năng khống chế khu vực này và có thể "thắng vĩnh viễn trong một cuộc chiến tranh phi thường quy".

Bình luận của QQ News cho thấy, dù với mục đích xây dựng căn cứ không quân như phân tích của giới quan sát và truyền thông quốc tế, hay căn cứ hải quân - hải cảnh như tờ báo Trung Quốc này thì rốt cuộc vẫn chỉ nhằm khống chế Trường Sa, hiện thực hóa đường lưỡi bò phi pháp tiến tới độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.

Việc Trung Quốc xây dựng, cải tạo trái phép ở Trường Sa dù với bất cứ mục đích gì cũng đều vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, xâm phạm chủ quyền, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, cần đặc biệt theo dõi chặt chẽ và có biện pháp ứng phó phù hợp.