17 septembre 2014

Cải cách hành chính cần đem lại hiệu quả thiết thực

Nguồn: Theo TBKTSG


Lê Đăng Doanh



(TBKTSG) - Tới 80% người dân hài lòng với dịch vụ công? 
Con số đó được đưa ra trong bối cảnh dân tình bức xúc hiện nay làm cho một chuyên gia đã phải thốt lên: "Kết quả tốt đẹp thế này thì cần gì phải cải cách hành chính nữa!".

Doanh nghiệp và dư luận kỳ vọng vào sự chỉ đạo cương quyết, cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành thuế, hải quan, tài nguyên - môi trường và xây dựng, yêu cầu phải cắt giảm thủ tục, giảm thời gian nộp thuế, thông quan, cấp phép... với những chỉ tiêu định lượng cụ thể.
Trong khi đó, kết quả một cuộc điều tra tại ba tỉnh vừa mới công bố cho thấy tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ công tới... 80%!

Hãy soi gương bộ máy
Giải đáp nghi vấn từ một đoạn băng quay cảnh nữ nhân viên ngành công thương thản nhiên nhận tiền của doanh nghiệp, một thứ trưởng của bộ đó cho rằng ấy là thu tiền lệ phí cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa chứ không phải hối lộ. Không thấy thứ trưởng đề cập đến yêu cầu sơ đẳng của thủ tục thu tiền cho công quỹ là phải có ghi sổ, người nộp phải được ký và nhận biên lai về khoản tiền đã nộp. Hay bộ máy này hoạt động theo quy chế hành chính riêng? Đó là chưa kể, quy định hiện hành đối với thủ tục hành chính nói trên, được quy định trên chính trang web của bộ này, là... miễn thu phí.

Cũng tại bộ đấy, vừa xảy ra vụ tiêu cực trong thi tuyển công chức. Bộ trưởng đã hủy bỏ kết quả thi tuyển, kỷ luật các cán bộ có liên quan nhưng kết luận của cơ quan công an điều tra vụ này lại được xếp vào tài liệu tuyệt mật, không được công bố (?). Thiết nghĩ, khi vụ việc đã được phanh phui trên báo chí thì việc công khai kết luận điều tra sẽ chỉ thể hiện sự quyết tâm của bộ sửa các sai phạm, việc không công bố sẽ chỉ tạo ra khoảng trống cho những câu hỏi mà thôi.

Điều doanh nghiệp và người dân mong đợi là các cải thiện trong thực tế mà các chỉ thị cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng sẽ đem lại.

Chất lượng thi tuyển cán bộ sẽ ảnh hưởng đến năng lực của bộ máy nhà nước và những tiêu cực về tuyển chọn cán bộ hiện đang diễn ra rất phổ biến ở các ngành, các cấp.

Báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) 2013 cho thấy phần lớn người dân phải có quan hệ "thân quen" và đưa đút lót mới xin được việc làm trong bộ máy hành chính nhà nước chứ không dựa vào năng lực bản thân. Điều này đi ngược với yêu cầu trọng dụng người tài (meritocracy) mà Singapore và nhiều nước khác đã thực hiện như một nguyên tắc trụ cột cho xây dựng và hoạt động của bộ máy nhà nước họ.

Công luận cũng rất ngạc nhiên về công văn của chủ tịch một huyện và của chủ tịch một tỉnh về việc "ưu tiên dùng đồ uống sản xuất trong tỉnh", cụ thể là bia, nước khoáng.
Cách đây đã lâu, có một tỉnh khác cũng yêu cầu các công trình đầu tư ở tỉnh phải dùng xi măng của nhà máy tại tỉnh mặc dù chất lượng sản phẩm rất kém.

Những can thiệp hành chính vi phạm Luật Cạnh tranh này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần khuyến khích cạnh tranh bình đẳng mà Thủ tướng đã phát đi trong thông điệp đầu năm mới 2014, thể hiện sự ôm đồm quá mức của bộ máy nhà nước đối với hoạt động kinh doanh.

Nếu tiếp tục xu hướng này ở tất cả các tỉnh, thành phố, thì sẽ tái hiện các rào cản đầu tư, kinh doanh và làm sống lại mô hình tự túc, tự cấp. Cho đến nay chưa thấy có công văn nào điều chỉnh các loại chỉ thị này.

Trên thực tế, các doanh nghiệp thường xuyên than phiền về tính thiếu chuyên nghiệp của công chức, viên chức; sự thiếu thiện chí, cố tình làm khó của họ. Tình trạng thanh tra, kiểm tra dày đặc trước mỗi dịp Tết, lễ để chờ thái độ tỏ ra “biết điều” cũng trở thành gánh nặng chi phí, thậm chí ác mộng đối với các doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp bị cơ quan quản lý nhà nước “gợi ý đóng góp” đã trở thành vấn nạn: từ việc góp để xây dựng trụ sở đến góp để tổ chức hội nghị tổng kết, tham quan, học tập...

Nếu thực tâm cải cách
Việc cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà theo chỉ thị của Thủ tướng như đã nêu trên đây là bước đầu tiên để giảm bớt gánh nặng chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp và người dân.

Bước tiếp theo rất cần thiết là rà soát tính tương thích của các văn bản, quy định một cách cụ thể về nghĩa vụ công bố thông tin, công bố công khai về thủ tục, quy trình và tiến độ xử lý công việc.

Cần phải nói rõ rằng, còn có không ít doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các quy định của pháp luật, kinh doanh dựa trên các mối “quan hệ” để “bảo kê” cho các hoạt động phi pháp của mình.

Công luận hoàn toàn ủng hộ, thậm chí đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi nghiêm các chức năng, nhiệm vụ được giao để bảo vệ lợi ích của toàn xã hội, song nhiều hành vi sách nhiễu trong quá trình "thực thi" kể trên hội đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cần điều tra, xử lý để răn đe.

Ngày 3-9 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã công bố báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015, trong đó Việt Nam tăng hai bậc, từ bậc 70 năm ngoái lên bậc 68 năm nay nhưng các điểm số liên quan đến các tiêu chí về thể chế, tổ chức bộ máy và chi phí ngoài pháp luật - một mỹ từ được sử dụng thay cho tham nhũng - vẫn ở mức rất thấp. Thực ra, việc tăng lên hai trong năm nay có tính cơ học vì bốn nước xếp hạng thấp hơn nước ta đã được rút ra khỏi danh sách (từ 148 nước chỉ còn 144 nước). Xếp hạng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước ASEAN và các nền kinh tế trong khu vực.

Cũng trong báo cáo này, tất cả các xếp hạng về thể chế của ta đều thấp hơn xếp hạng của nền kinh tế, chứng minh cho sự đúng đắn và cần thiết của các quyết định của Thủ tướng thúc đẩy cải cách hành chính gần đây.