24 novembre 2014

VIỆT NAM ĐẠT ĐƯỢC GÌ TỪ CÁC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỪA QUA?



Phạm Khánh Chương

 Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình và thủ tướng Úc Tony Abbott ký một hiệp ước tự do mậu dịch. Nguồn AFP 

Trong năm nay, ba hội nghị cấp cao quan trọng đã diễn ra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương: hội nghị ASIAN tại Myanmar, hội nghị APEC lần thứ 22 tại Bắc Kinh và G20 tại Brisbane, Australia.

VN hầu như không đạt được gì hết ngoài những tấm hình đem về đăng báo để lòe dân: hình Nguyễn Tấn Dũng chụp chung với Obama tại Myanmar, Trương Tấn Sang chụp với Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, và hình chụp chung với nguyên thủ của các quốc khác. Riêng G20 tổ chức tại Brisbane, Australia, thì các lãnh đạo CS VN không có được tấm hình nào lộng kiếng vì VN không phải là thành viên được mời tham dự.



Những hội nghị mà VN được tham dự, tuy mang tính cách quốc tế, nhưng thực chất chi là những diễn đàn hợp tác khu vực, riêng G20 mới là hội nghị quan trọng, là diễn đàn hàng đầu cho hợp tác kinh tế và tài chánh toàn cầu. G20 bao gồm các cường quốc kinh tế tiên tiến và mới nổi lớn nhất thế giới, với GDP chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu và bao gồm những cái đầu có thể tính toán để sắp đặt bàn cờ thế giới.

VN giữ vai trò gì trong việc sắp đặt bàn cờ đó? Chẳng giữ vai trò gì hết! 
Con cờ không thể làm người đánh cờ, con cờ chỉ có thể làm con cờ!

Những tự hào "đã từng đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ"; tự hào "đưọc làm người Việt Nam"; tự hào "là thành trì bảo vệ XHCN"; tự hào "dân chủ gấp vạn lần tư bản", v.v...thực tế đã chứng minh chỉ toàn là những "tự hào" ảo tưởng vì VN vẫn chỉ là con cờ của Trung cộng như ngày nào và càng ngày càng lệ thuộc vào nó.

Sau hội nghị ASIAN, tình hình Biển Đông vẫn không tốt lên mà còn tăng thêm nguy cơ vì Trung cộng vẫn tiếp tục hành động để "củng cố vị trí vững chắc của Trung Quốc" ở đây. Sau APEC, Trung cộng vẫn không ngưng thải "hóa chất độc hại" và "đổ rác" vào các nước láng giềng, trong đó có VN.

Tuy nhiên, sau diễn đàn G20, nền kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ có những chuyển biến mới làm ảnh hưởng đến kinh tế và cả chính trị của VN. Hãy thử xem "con cờ" VN sẽ bị ảnh hưởng ra sao trong bàn cờ kinh tế và tài chánh toàn cầu đó.

Kết quả của một thời gian dài thương lượng, tính từ năm 2005, qua diễn đàn G20, Úc và Trung cộng đã có thể ký kết được một thỏa hiệp quan trọng về tự do mậu dịch mang tính lịch sử của nước Úc (the historic landmark China-Australia Free Trade Agreement).

Thỏa thuận này cho phép 85% đến 93% hàng hoá của Úc (chủ yếu nông phẩm, gia súc, nguyên liệu và dịch vụ) xuất khẩu sang Trung cộng được miễn thuế hoàn toàn. Và ngược lại, một số hàng hóa "Made in China" (nhất là đồ gia dụng) cũng sẽ được miễn thuế tại Úc. Ở đây cần nói thêm là sản phẩm "Made in China" tại Úc hoàn toàn khác với "Made in China" tại VN. Tại Úc có thể là thành phẩm hoặc thứ phẩm, còn tại VN, do bị thao túng và tham nhũng, hầu như chỉ toàn là "rác" (thương dân tôi!).

Điều này giúp cho nước Úc có được một thị trường tiêu thụ bền vững với hơn 1.3 tỷ dân, giúp người dân Úc giảm chi chi phí tiêu dùng (vì giá rẻ), tăng tiết kiệm từ đó tăng đầu tư và làm giầu. Chính phủ Úc tăng cơ hội chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ. Dân Trung Quốc có cơ hội hưởng thụ nông sản phẩm, nguyên liệu chất lượng từ Úc với giá rẻ, ổn định, và tăng cơ hội đầu tư vào thị trường an toàn của nước Úc. Những thỏa thuận thương mại nói trên mang lại hàng trăm tỷ đô la cho nền KT của mỗi nước.

Đối với VN, thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu nông, khoáng sản của VN sang TQ với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng hơn 14 tỷ USD/năm, từ đó ảnh hưởng mạnh đến đời sống nông dân, chiếm 80% dân số. Kinh tế sa sút dẫn tới tăng lệ thuộc về mặt chính trị. VN là "bạn" của Úc và là đàn em thân tín của Trung cộng, vậy VN ở đâu trong thỏa thuận đó? Chẳng ở đâu hết.

Dài dòng như trên để cho thấy quyền lợi của quốc gia là quan trọng nhất và hoàn toàn không có gì sai. Trong thỏa thuận nảy, nước chủ nhà Úc đã từ chối đưa biến đổi khí hậu vào nghị trình để lấy lòng Trung cộng. Những cái đầu sẽ tính toán làm sao để những xê dịch của con cờ không làm mất ổn định của ván cờ và nhất là không làm người chơi vì những bước xê dịch đó mà thiệt thòi.

Trở lại với VN, nhiều người chủ quan tin tưởng Mỹ sẽ bảo vệ VN nếu bị Trung cộng đánh. VN lệ thuộc Trung cộng cả về chính trị lẫn kinh tế, VN là con cờ trong tay Trung cộng, không ai lại đi đánh vào tay mình. VN không phải là đồng minh của Mỹ như Úc, Nhật hay Philippnes, Mỹ chỉ có thể giúp làm cho bàn tay đó bớt xiết chặt hơn thôi. Mỹ bỏ cấm vận, bán vũ khí có giới hạn cho VN là một minh chứng cho việc đó. Muốn thoát ra được, "con cờ" phải có khả năng tự biến thành "cục lửa" đốt cháy bàn tay đang xiết chặt mình.

Từ một nước nô lệ, đảng CSVN biến VN thành một nước bị lệ thuộc. Lệ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung cộng. Địa chính trị đặc biệt của VN khiến VN không chỉ là "con cờ" trong thương lượng thương mại giữa Mỹ, Úc hay bất kỳ cường quốc nào với Trung cộng mà VN còn là "lá chắn" cho Trung cộng trong tranh chấp Biển Đông.
Mỗi khi Trung cộng có hành động lấn tới trên Biển Đông, trong khi thế giới lên tiếng phản đối và đòi tỏ thái độ, trong khi các nước đang tranh chấp khác tim đủ mọi cách để bảo vệ phần của họ thì VN, là nước chịu nhiều tổn thất nhất, mất mát nhất, nhưng đảng và nhà nước VN chỉ dang tay ra hô hào "giữ nguyên hiện trạng", "ổn định khu vực", "phát triển hòa bình", "tránh xung đột", và mới đây nhất "vừa hợp tác, vừa đấu tranh". 

Và theo yêu cầu của VN, để "tránh xung độ", các nước "rút về" để Trung cộng vẩn "giữ nguyên hiện trạng" miễn là "ổn định khu vực". "Ổn định khu vực" là điều quan trọng nhất, từ đó mới rãnh tay (hay có điều kiện) để ký những hiệp ước thương mại khác. Cũng theo yêu cầu của VN, hãy để VN từ từ giải quyết những tranh chấp với Trung cộng trên tinh thần "vừa hợp tác, vừa đấu tranh".

Việc làm đó của đảng và nhà nước VN có khác gì cái lá chắn mà phía sau nó là Trung cộng? Trung cộng tiến đến đâu, lá chắn tiến đến đó nhưng không phải để ngăn lại mà để bảo vệ Trung cộng được "giữ nguyên hiện trạng". Thực tế đã chứng minh, những hành động của đảng và nhà nước VN không làm chùn bước kẻ cướp mà còn làm cho nó dần dần chiếm hết phần biển còn lại của VN.

Đảng CS đang dẫn dắt dân tộc trên con đường diệt vong. Đảng CS VN đã đi tới giai đoạn thối rữa, không thể thay đổi được, không thể cứu chữa được nữa, những ai còn tin tưởng hay mong đợi trong đảng sẽ có một Gorbachev, một Markel hay tệ hơn, một Putin để làm thay đổi đảng rồi từ đó thay đổi đất nước thì nên suy nghĩ lại.

Người VN phải tự quyết định số mệnh của mình, của dân tộc mình, không ai làm thay cho mình hết. Hãy trở thành đóm lửa để trở thành ngọn lửa đốt cháy kẻ thù.


Nguồn : Trí NhânMedia