15 janvier 2015

Tọa đàm PHAN BỘI CHÂU VÀ PHONG TRÀO ĐÔNG DU


Tọa đàm
PHAN BỘI CHÂU VÀ PHONG TRÀO ĐÔNG DU
(Nhân dịp kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Du)
14:00, thứ Hai, ngày 19/1/ 2015, Hội trường L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội

Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX có một sự chuyển biến mang tính bước ngoặt lịch sử: trước cuộc "mưa Âu gió Mỹ", trước nguy cơ tồn vong của dân tộc, những trí thức tiến bộ của Việt Nam thời bấy giờ nhận thấy không còn con đường nào khác là phải duy tân đất nước. Tháng 5-1904, chí sỹ Phan Bội Châu và một số đồng chí của mình đã tuyên bố thành lập Duy tân Hội. Tôn chỉ của Hội là "khôi phục nước Việt Nam, lập nên một chính phủ độc lập". Họ nhìn thấy Nhật Bản, một nước "đồng văn, đồng chủng, đồng châu” của Việt Nam đang trên đà cường thịnh, Hội liền cử Phan Bội Châu lên đường sang Nhật, nhờ chính phủ Nhật giúp đỡ Việt Nam đánh Pháp. Lúc Phan Bội Châu đến Nhật cũng là lúc chiến tranh Nhật – Nga kết thúc với thắng lợi tuyệt đối thuộc về Nhật. Điều đó càng làm nức lòng các chí sỹ Việt Nam.

Tuy nhiên các chính khách Nhật nói với Phan rằng: "Nhật Bản muốn giúp cho quý quốc thì tất phải tuyên chiến với Pháp. Pháp – Nhật tuyên chiến thì chiến cơ động cả hoàn cầu, lấy sức Nhật Bản ngày nay mà tranh với toàn châu Âu thì thiệt chưa đủ sức". Họ khuyên Phan nên "ẩn nhẫn chờ cơ hội”. Mặt khác, nhận thấy dân trí Việt Nam quá thấp kém so với dân trí Nhật Bản, Phan Bội Châu thấy trước hết phải chuẩn bị về con người, do đó Cụ đã đề nghị người Nhật giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực và được người Nhật chấp nhận. Thế là Phan và các đồng chí của mình vận động thanh thiếu niên Việt Nam sang Nhật du học, tạo nên một phong trào rộng lớn, gọi là Đông du (sang phương Đông).Lúc đông nhất, số học sinh có trên 200 người.Tuy nhiên, vào đúng lúc phong trào đang phát triển mạnh thì Pháp và Nhật ký với nhau hiệp ước, học sinh Việt Nam bị buộc giải tán; cùng với các khó khăn nghiêm trọng về tài chính, cuối cùng hầu hết họ phải dời khỏi Nhật Bản.

Phong trào Đông du ngoài việc thổi lên ngọn lửa yêu nước, ý chí quyết tâm giành độc lập, nó còn góp phần làm biến chuyển lịch sử Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt là về tư tưởng. Đó là việc từ bỏ tư duy giáo điều sang tư duy thực tiễn. Là việc hội nhập với thế giới, trước hết là với cộng đồng khu vực. Đặc biệt là việc từ bỏ lý tưởng quân chủ để chuyển sang lý tưởng dân chủ:

Người dân ta của dân ta

Dân là dân nước, nước là nước dân.

(Phan Bội Châu, Hải ngoại huyết thư)

Về mặt văn hoá, đây là cuộc tiếp xúc văn hoá đầu tiên của Việt Nam vượt ra ngoài Trung Hoa. May mắn là trong cuộc đời hoạt động của mình, Phan Bội Châu đã ghi lại được nhiều câu chuyện và nhận xét về thể chế, về con người và văn hoá Nhật Bản. Ta thấy hiện lên một dân tộc Nhật Bản vừa mang truyền thống Á Đông, rất gần gũi với Việt Nam, lại vừa rất phương Tây, rất hiện đại. Những điều này cho đến hôm nay, có khi người Việt Nam còn phải "chạy dài" so với người Nhật Bản cách đây hơn một trăm năm trước.


Diễn giả:

  • GS. Chương Thâu: với bề dày hơn 50 năm nghiên cứu về Phan Bội Châu, một trong những chuyên gia hàng đầu về nhân vật lịch sử Phan Bội Châu hiện nay

  • Ths. Đào Tiến Thi: NXB Giáo dục Việt Nam.
  • Dẫn chương trình: GS. Nguyễn Trọng Chuẩn, chủ tịch Hội đồng khoa học, quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh