14 mai 2015

“Đối tác chiến lược” và bảo vệ chủ quyền trên biển Đông

Dương Trọng Đông


Biển Đông giờ đây là phép thử. Liệu quan hệ giữa các nước lớn có đủ năng lực giữ cho “chảo dầu” này dừng lại trước điểm sôi hay không? Sự can dự của nhiều quốc gia, nhất là các nước lớn, vừa lên tiếng vạch trần âm mưu và hành động của Trung Quốc,  vừa tích cực tìm kiếm giải pháp, mới có có cơ may đẩy lùi được nguy cơ xung đột bùng nổ.
 

« Một mình Việt Nam, thậm chí cả ASEAN, cũng khó tạo được vị thế đối trọng với Trung Quốc. Nếu Việt Nam củng cố và tăng cường hệ thống “đối tác chiến lược”, trong đó cả với Mỹ, mới hy vọng có cơ để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển »



Việt Nam đang nỗ lực kiến tạo các liên hệ ngoại giao chất lượng chiến lược với Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ, cùng với một số thành viên trong cả EU lẫn ASEAN. Hẳn nhiên, chiều kích và nền móng của lòng tin chiến lược ấy cũng như quy mô về sự hợp tác mọi mặt với các đối tác này không hẳn là đồng đều, tùy theo chất lượng bang giao và tương quan lực lượng giữa các bên. Trước đây, bang giao Việt –Trung từng chi phối các mối bang giao khác. Đấy là quan hệ có ý nghĩa “tổng trì”, nói theo kinh Phật. “Tổng trì” là mượn ý từ “tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa”, tức là phải nắm tất cả các phép ứng xử (tu tập) để hành trì thấu triệt mọi con đường (pháp môn). Ngày nay, mối bang giao ấy vẫn mang ý nghĩa quyết định, nhưng nhờ Việt Nam đã có cả một hệ thống các đối tác chiến lược “chống lưng”, mức độ “tổng trì” của bang giao Việt – Trung không còn bao sân nữa.

Cảnh giác, tránh sập bẫy!

Tuy nhiên, dư luận trong nước và quốc tế vẫn chưa hết “nóng” sau chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu ĐCS Việt Nam. Thông cáo chung giữa hai Tổng Bí thư nêu: “Tin cậy chính trị Việt – Trung là cơ sở cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định”. Phương châm “4 tốt”, “16 chữ” vẫn được tái khẳng định trong văn kiện chính thức. Nhưng theo TTXVN thì “quan hệ hai nước cũng có giai đoạn khó khăn, hiện nay một số lĩnh vực hợp tác giữa hai nước chưa đi vào thực chất, hiệu quả chưa cao” với lời giải thích được đưa ra là vì “tin cậy chính trị chưa cao, chủ yếu do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên Biển Đông…”. Hai Tổng Bí thư lần này cũng đòi hỏi “tinh thần nói đi đối với làm” từ các cấp, các ngành để tránh cho quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” rơi vào tình trạng bế tắc như khi thời kỳ Bắc Kinh cắm giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.

Như vậy là lần đầu tiên, Việt Nam và Trung Quốc công khai thừa nhận độ tin cậy chính trị giữa hai bên chưa cao. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của quan hệ Việt – Trung đến tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân càng không thể quy giản chỉ do “bất đồng trong cách ứng xử trên Biển Đông”. Các hành vi hiếp đáp, hành hung ngư dân Việt Nam của Trung Quốc trên các ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa và Trường Sa bao lâu nay hoàn toàn không đơn giản chỉ là bất đồng do cách ứng xử. Đặc biệt là những âm mưu và hành động trong việc bồi đắp và kiên cố hóa 7 đảo đá của Việt Nam mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm ở Trường Sa thì phải khẳng định có nguồn gốc sâu xa từ “chủ trương đại cục” nhằm độc chiếm hơn 80% Biển Đông. Hôm 9/4, Bắc Kinh tái khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa, ngay khi lãnh đạo ĐCS Việt Nam đang có mặt tên đất Trung Quốc.

GS Carl Thayer (Úc) trong một trả lời phỏng vấn mới đây đã cảnh báo: Việt Nam không nên rơi vào cái bẫy của Trung Quốc khi họ muốn làm hòa mà không có một sự bảo đảm chắc chắn nào về các hành vi tương lai. Việt Nam cần phải kiên quyết trong các cuộc thảo luận riêng để đòi Trung Quốc cam kết hành động phù hợp với các thỏa thuận trước đây giữa hai bên. Việt Nam cũng phải ủng hộ chính sách của Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hành xử dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam phải thúc đẩy mạnh mẽ điều này trong khối ASEAN. Mục tiêu chính của ASEAN nên chuyển từ việc đặt trọng tâm trên một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông (COC) qua việc nhấn mạnh đến việc đòi tất cả các thành viên đối thoại, kể cả Trung Quốc, là phải tôn trọng các chuẩn mực và pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Theo các nguồn tin quốc tế, Trung Quốc đang gấp rút triển khai khống chế toàn bộ Biển Đông. Từ Hải Nam, Trung Quốc kiểm soát vùng biển phía Bắc Việt Nam. Từ sân bay Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) đến Đà Nẵng chỉ có 390 km, thời gian bay chưa tới 30 phút. Từ căn cứ trên đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) sẽ khống chế vùng biển miền Trung và miền Nam. Từ Gạc Ma đến TPHCM chỉ 800km, thời gian bay khoảng 50 phút. Trung Quốc còn tiếp tục xây dựng sân bay ở đảo Chữ Thập. Hiện đang có kế hoạch chuyển nhượng quyền khai thác và quản lý sân bay Phú Quốc nhằm có nguồn tài chính để phát triển sân bay Long Thành. Nếu các nhà đầu tư Trung Quốc nắm được quyền khai thác sân bay Phú Quốc, thì Trung Quốc sẽ có bốn sân bay trong khu vực (Hải Nam, Phú Lâm, Gạc Ma và Phú Quốc), hình thành một tứ giác khống chế vùng trời và vùng biển của Việt Nam.

“Kề vai sát cánh” vì Biển Đông

Trong một bản thông cáo công bố hôm 15/4, kết thúc hai ngày họp tại thành phố Lubeck (Đức), các ngoại trưởng trong nhóm G7, lần đầu tiên lên tiếng cảnh cáo “mọi mưu toan nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên biển thông qua việc hù dọa, cưỡng ép hoặc dùng võ lực”. Hãng tin Nhật Jiji đã khẳng định rằng lời cảnh cáo này rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Trong bản thông cáo chung ấy, ngoại trưởng 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Canada và Nhật) đã xác nhận rằng họ vẫn theo dõi tình hình trên Biển Hoa Đông và Biển Đông và cảm thấy “quan ngại trước bất kỳ hành động đơn phương, chẳng hạn như cải tạo đất trên quy mô lớn, có tác dụng thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”. Các ngoại trưởng G7 cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Năm ngoái, Liên hiệp châu Âu (EU) cũng ra Tuyên bố phản đối khi Trung Quốc cắm giàn khoan HD981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam. Thông cáo 15/4 của G7 cũng như Tuyên bố cách đây một năm của EU là thái độ mạnh mẽ và kịp thời. Hà Nội hay Manila (hoặc cả hai) nên đứng ra cám ơn nghĩa cử đó. Bài học về chính sách thỏa hiệp vẫn không ngăn cản được sự bùng nổ của thế chiến thứ hai vẫn còn thời sự. Đối với những thế lực hiếu chiến, sự thỏa hiệp vô nguyên tắc nhiều khi lại là cám dỗ nguy hiểm! Những lời tố cáo liên tục từ phía Hoa Kỳ nhắm vào hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang cấp tốc tiến hành tại Biển Đông càng lúc càng mạnh mẽ. Cũng vào ngày 15/4, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, Đô đốc Locklear đã lên án các hành vi “hung hăng” của Bắc Kinh, cùng với lời cảnh báo Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tương tự như Trung Quốc đã làm trên Biển Hoa Đông.

Ngoài việc bày tỏ lo ngại về những bước đi gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, Đô đốc Locklear còn nhấn mạnh đến tình trạng gia tăng các hoạt động quân sự của Nga ở Châu Á-Thái Bình Dương trong những tháng gần đây với những cuộc diễn tập tầm xa hướng về phía Mỹ. Theo vị quan chức quân sự Mỹ, Nga đang tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược ở bờ biển phía Đông thuộc Thái Bình Dương và các lực lượng tàu ngầm hoạt động ở Bắc Cực cũng như Đông Bắc Á. Cùng chia sẻ quan ngại với Mỹ, Nhật Bản cũng vừa lên tiếng cho biết, số vụ máy bay chiến đấu của họ phải cất cánh khẩn cấp trong những năm gần đây đã tăng đến mức tương đương thời Chiến tranh Lạnh do các hoạt động quân sự gia tăng của Nga và Trung Quốc trong khu vực. Số lần máy bay chiến đấu của Nhật phải đi đánh chặn các máy bay Trung Quốc và Nga đã tăng 133 lần so với năm trước.

Tình hình căng thẳng hiện nay là hệ quả trực tiếp từ chính sách bành trướng của Bắc Kinh, cũng như sự mất quân bình giữa vị thế đang thay đổi nhanh chóng trong hệ thống toàn cầu với sự tụt hậu tương đối của nó trong việc mở rộng quyền lực mềm của Trung Quốc. Tình trạng này là do thiếu sự kết nối giữa sức mạnh kinh tế của Trung Quốc với việc bảo đảm an ninh đáng kể của các cường quốc khác, đặc biệt là Mỹ. Đây là cuộc đấu trí, đấu lực lớn giữa các nước lớn để giữ thế quân bình toàn toàn cầu. Tuyến đầu là Mỹ và Trung Quốc, nhưng trên các phòng tuyến khác, châu Âu, Nga, Nhật, Ấn Độ đều đã có mặt. Hẳn nhiên, để tạo ra cục diện “kề vai sát cánh” bảo vệ Biển Đông, một mình Việt Nam, thậm chí cả ASEAN, cũng khó tạo được vị thế đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Việt Nam củng cố và tăng cường hệ thống “đối tác chiến lược”, trong đó cả với Mỹ, mới hy vọng có cơ để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên biển./.

  
Nguồn: Theo vanhoanghean.com.vn