11 juin 2015

Loạt dự án thép tỷ đô chết yểu:Hệ quả xin thì... gật


Bà Phạm Chi Lan
 Sự háo hức về thành tích của các địa phương vẫn còn ghê gớm, không phải dễ gì mà doanh nghiệp nào cũng xin được giấy phép đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ những ý kiến tâm huyết của mình với Đất Việt trước tình trạng nhiều dự án thép lớn đã hoặc đang có nguy cơ bị "khai tử".


PV: - Liên tiếp các dự án thép lớn đã hoặc có nguy cơ bị rút giấy phép đầu tư như dự án Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi ở KKT Vũng Áng; dự án thép Quảng Liên ở KKT Dung Quất. Theo bà, liệu đây có phải là hệ quả của việc bội thực các dự án thép hay còn vì lý do nào khác? Xin bà phân tích cụ thể.

Bà Phạm Chi Lan:-Thị trường thép Việt Nam cung đã vượt cầu quá nhiều, thêm vào đó là yếu tố mở cửa thị trường với các cam kết hội nhập làm cho sản xuất thép ở Việt Nam càng gặp khó hơn, khó cạnh tranh với bên ngoài, dẫn đến tình trạng thừa là dễ hiểu.

Thứ hai, ở Việt Nam, thép có loại thiếu, loại thừa, dòng bị thừa nhiều là dòng thép xây dựng, chất lượng không cao, còn những doanh nghiệp làm các mảng khác của thép, hoặc cũng làm thép xây dựng nhưng chất lượng cao vẫn sống được. Cái chính ở đây là tuỳ theo dòng thép, công nghệ và kết quả sản phẩm ra sao.

Các công trình xây dựng Việt Nam ngày càng 'khôn' hơn, biết dùng sản phẩm đầu vào tốt để đảm bảo chất lượng của công trình. Một số dự án làm gian dối rồi cũng bị phanh phui sớm và những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu dởm khiến công trình bị tai tiếng sớm muộn cũng không còn cơ hội để tồn tại. Điều này dẫn đến yêu cầu về chất lượng sản phẩm tăng lên, doanh nghiệp nào không có hướng đầu tư đảm bảo chất lượng phải ngưng hoạt động là điều dễ hiểu.
 
Sau 10 năm động thổ, siêu dự án thép Quảng Liên vẫn là bãi đất hoang chăn thả bò ở Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: VnExpress
 
Trước đây, Việt Nam đã cho đầu tư quá nhiều, kể cả các nhà đầu tư cũng tính toán không đúng về nhu cầu của thị trường Việt Nam. Đơn cử ngành xây dựng trong thời kỳ bong bóng bất động sản lên cao, thép, xi măng, kính, gạch men... đều bị thổi phồng về nhu cầu làm cho các doanh nghiệp đầu tư vào vật tư phục vụ cho ngành xây dựng cũng bị lây.

Nhu cầu về hạ tầng cũng vậy, đã đành là có nhưng phải xem nhu cầu có khả năng thực hiện hay không, tạo được cung ứng và có khả năng thanh toán hay không. Ở Việt Nam, nhu cầu đó còn chênh rất nhiều giữa cái cần có và cái có khả năng làm được để cung ứng cho xã hội. Thế nên tính  toán của các nhà đầu tư nhiều khi bị dẫn dắt bởi những thông tin sai, quy hoạch vống lên.

Những người làm quy hoạch có động lực để vống lên, làm như vậy Nhà nước sẽ đổ tiền, đổ của nhiều hơn hoặc ưu đãi nhiều hơn cho các dự án của mình nhưng rồi chính họ cũng lại là người hứng chịu hậu quả khi ngành đó trở thành dư thừa.

Các địa phương muốn hay không cũng buộc phải rà soát lại các dự án, cái nào không thể làm được thì phải rút giấy phép, không có lý do gì giữ lại những mảnh đất, những ưu đãi cho nhà đầu tư đó mà họ không thực hiện, gây tổn thất cho xã hội, cho địa phương, nhất là người dân, những người mất đất cho dự án mà dự án không triển khai được.

Một đằng dân không có đất sản xuất, doanh nghiệp khó khăn, một đằng doanh nghiệp để dự án treo gây lãng phí rất lớn, chưa kể doanh nghiệp nào đã trót đầu tư một phần. Không chỉ doanh nghiệp mất mà nguồn vốn nhất định của xã hội cũng bị mất theo, nguồn vốn đổ vào bị đọng lại, gây ra tổn thất thì việc rút giấy phép các dự án là đúng.

PV: - Có ý kiến cho rằng, việc các dự án cấp phép không thể triển khai, gây thiệt hại không nhỏ cho địa phương (đầu tư hạ tầng đường sá, mất cơ hội phát triển...) là do phía Việt Nam đã quá dễ dãi trong việc cấp phép đầu tư. Bà đồng tình ở mức độ nào với nhận định trên? Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu: năng lực thẩm định, nạn tham nhũng, cuộc đua thành tích GDP hay lý do nào khác?

Bà Phạm Chi Lan: - Tôi đồng tình với ý kiến này bởi trong thời gian qua, Nhà nước để cho các địa phương được quyền chủ động cấp phép đầu tư rất nhiều mà không có quy hoạch tổng thể chung của cả nước được thực hiện nghiêm khắc. Cũng có những ngành, lĩnh vực có quy hoạch phát triển nhưng quy hoạch đó bị phá vỡ rất dễ dàng.

Ví dụ, quy hoạch ở tỉnh A, tỉnh B không có dự án thép nhưng khi doanh nghiệp muốn làm ở đó thì địa phương lại ủng hộ cho doanh nghiệp làm để được tiếng là có dự án to. Địa phương, doanh nghiệp xin thì Trung ương lại "gật".

Hiệp hội Thép đã hiều lầm cho rằng Nhà nước cấp quá nhiều dự án thép nhưng tiếng nói của Hiệp hội có bao giờ được coi trọng?!