24 juin 2015

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:: Danh xưng nhà báo vẫn thiêng liêng trong tôi


Lan Hương (thực hiện)
 
 
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:  "Đến Đại hội XI, Vietnamnet đăng bài phỏng vấn nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khuyến nghị đổi mới nhiều mặt. Đây cũng là bài báo khiến Vietnamnet gặp sóng gió. Nhưng căng thẳng nhất có lẽ là dịp tháng 12/2007, khi Vietnamnet đăng bài Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa - Trường Sa. Thời điểm ấy, tôi đang làm fellow ở Harvard, nhưng chính tôi là người đã trực tiếp chỉ đạo,  duyệt đăng bài báo đó. 
Bài báo đăng tải và sóng gió nổi lên ngay sau đó, vào đúng dịp Vietnamnet chuẩn bị kỉ niệm 10 năm tuổi. Vietnamnet bị phạt 30 triệu đồng. Tôi bị kiểm điểm và có nguy cơ mất chức. Thậm chí cơ quan chủ quản đã cử người về tạm thay tôi quản lý toà soạn. Có vị lãnh đạo lúc ấy rất gay gắt tạo áp lực lên lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, chỉ thị phải cách chức tôi ngay. Sau này tôi biết trong sự việc bài báo đó, có những người bảo vệ,  đề nghị không xử lý nặng Vietnamnet và không cách chức tôi, đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thứ trưởng phụ trách báo chí Đỗ Quý Doãn .... Và như bạn thấy đấy, tôi vẫn là Tổng Biên tập Vietnamnet đến tận 4 năm sau. "
 


                                             ***
Vào thời kỳ hoàng kim của Báo điện tử Vietnamnet khi anh còn là Tổng Biên tập (TBT), tôi mới chỉ là sinh viên báo chí năm đầu. Nhưng thế hệ chúng tôi đều ngưỡng mộ anh và mơ ước được về tờ báo mà anh là người lãnh đạo. Đến giờ tôi vẫn nghĩ, nếu ai thực sự say mê với lý tưởng của nghề báo, thì phải tìm cho mình một người lãnh đạo can đảm và dám đương đầu với mọi thách thức như anh... Hiện anh là Tổng Biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston, nơi hội tụ những học giả hàng đầu ở Harvard, MIT và Boston.

- Phóng viên: Thưa nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, có vẻ con đường sự nghiệp của anh khá lạ. Anh từng là kỹ sư công nghệ thông tin, là giảng viên đại học, nhưng cuối cùng, anh lại trở thành một nhà báo với không ít danh tiếng đã gặt hái được trong sự nghiệp của mình?

- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có lẽ đó là do nghề báo đã chọn tôi. Trước đó, trong những ngày đầu tạo dựng Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC, thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông VNPT, Công ty VASC tập trung vào công nghệ nội dung trên Internet. Khi lượng truy cập vào website của chúng tôi ngày càng nhiều và có ảnh hưởng xã hội thì cơ quan quản lý nhà nước khi ấy là Bộ Văn hoá - Thông tin và Ban Tư tưởng Văn hoá đã coi nó như một thực thể báo chí. Và website Vietnamnet trở thành báo mạng điện tử.  Là Giám đốc Công ty VASC và trực tiếp phụ trách website này, tôi trở thành Tổng Biên tập của Vietnamnet.

- Là dân ngoại đạo đến với nghề báo, thế mà anh lại chọn con đường gai góc nhất, khó khăn nhất, nhiều thách thức nhất mà nghề nghiệp này có thể mang lại, anh nói gì về con đường này?

- Khi tôi bắt tay vào xây dựng Vietnamnet thì những tờ báo như Tuổi trẻ và Thanh niên đã là những tờ báo chính trị xã hội có ảnh hưởng và truyền cảm hứng đổi mới trong xã hội. Ngày ấy Tuổi trẻ, Thanh niên cùng với khí thế “đổi mới, tăng tốc” của VNPT những năm 1990-2000 đã truyền cho tôi niềm tin, lạc quan vào tương lai của đất nước. Từ đó tôi xác định Vietnamnet phải là tờ báo chính trị xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển của dân tộc.

Tôi rất thích câu thơ của Lưu Quang Vũ: Nịnh đời dễ, chửi đời cũng dễ, Chỉ dựng xây đời là khó khăn thôi. Đó cũng là điều tôi trăn trở và tự dặn mình khi lãnh đạo Vietnamnet. Tôi xác định Vietnamnet phải trở thành một tờ báo tích cực tham gia phản biện xã hội, nêu những tri thức mới, tư duy mới, góp phần xây dựng đất nước. Nếu chỉ phản biện, chỉ chê bai, chỉ trích thì không đóng góp được nhiều, chúng tôi muốn đưa ra những tư duy mới, những giải pháp mới, muốn tìm ra những con đường và cách thức để đi. Và Vietnamnet đã bàn đến những giải pháp phát triển đất nước trong những năm đó.

Vietnamnet nói về việc “chấn hưng giáo dục Việt Nam”, nói về chiến lược “Công dân toàn cầu”, với mơ ước về một thế hệ thanh niên Việt có khả năng trở thành những công dân toàn cầu, có tư duy toàn cầu, có thể sống trên toàn cầu và nhìn thấy những nguồn lực của các quốc gia văn minh, tiên tiến là những nguồn lực, những cơ hội phát triển cho Việt Nam. Chúng tôi phản biện dự án boxit Tây Nguyên, thẳng thắn chỉ ra những bất cập của dự án này. Bây giờ thì nhiều vấn đề đã được nêu trên báo chí, nhưng ngày đó, nhiều chuyên đề do Vietnamnet thực hiện đã khiến tôi gặp không ít “phiền toái”.

- Những “phiền toái” ấy có liên quan gì đến những lời đồn về việc anh đã vài lần suýt mất chức vì những bài báo trên Vietnamnet? Anh có thể kể những trải nghiệm với những “phiền toái” ấy ? Khi ấy chắc anh có rất nhiều bức xúc?

- Nếu nói về “phiền toái” mà tôi tình nguyện chuốc lấy trong những năm tháng làm Tổng Biên tập Vietnamnet thì khá nhiều. Trước Đại hội X, Vietnamnet đi đầu đăng bài loạt bài Thời cơ vàng của Đảng ta (Tác giả Nguyễn Trung) và xuất bản sách Thời cơ vàng của chúng ta. Có những người đề nghị xử lý Vietnamnet về loạt bài báo đó. Tôi nhớ lúc ấy, Giáo sư Trần Thanh Đạm viết một bài chỉ trích Vietnamnet trên một số báo. Tôi đã quyết định đăng nguyên văn bài viết đó trên Vietnamnet để lấy ý kiến đóng góp của độc giả.

Có nhiều anh em trong toà soạn góp ý tôi không nên làm như vậy, vì chẳng có lý do gì mình lại đưa một bài phê phán nặng nề chính mình lên báo của mình. Nhưng tôi nghĩ khác. Nếu chúng tôi không can đảm đối mặt với những ý kiến trái chiều từ dư luận, thì làm sao chúng tôi có thể hy vọng rằng sẽ có người lắng nghe những điều chúng tôi tham gia phản biện, đóng góp. Sau khi bài báo của Giáo sư Trần Thanh Đạm đăng trên Vietnamnet, đã có khoảng 2 nghìn ý kiến của độc giả gửi về, phần lớn ủng hộ Vietnamnet và chỉ trích bài viết này. Tôi đã cho in toàn bộ những ý kiến đó, gửi đến nhiều nhà lãnh đạo đất nước khi ấy. Có lẽ nhờ vậy mà Vietnamnet không bị xử lý .

Đến Đại hội XI, Vietnamnet đăng bài phỏng vấn nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khuyến nghị đổi mới nhiều mặt. Đây cũng là bài báo khiến Vietnamnet gặp sóng gió. Nhưng căng thẳng nhất có lẽ là dịp tháng 12/2007, khi Vietnamnet đăng bài Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa - Trường Sa. Thời điểm ấy, tôi đang làm fellow ở Harvard, nhưng chính tôi là người đã trực tiếp chỉ đạo,  duyệt đăng bài báo đó. 

Bài báo đăng tải và sóng gió nổi lên ngay sau đó, vào đúng dịp Vietnamnet chuẩn bị kỉ niệm 10 năm tuổi. Vietnamnet bị phạt 30 triệu đồng. Tôi bị kiểm điểm và có nguy cơ mất chức. Thậm chí cơ quan chủ quản đã cử người về tạm thay tôi quản lý toà soạn. Có vị lãnh đạo lúc ấy rất gay gắt tạo áp lực lên lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, chỉ thị phải cách chức tôi ngay. Sau này tôi biết trong sự việc bài báo đó, có những người bảo vệ,  đề nghị không xử lý nặng Vietnamnet và không cách chức tôi, đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thứ trưởng phụ trách báo chí Đỗ Quý Doãn .... Và như bạn thấy đấy, tôi vẫn là Tổng Biên tập Vietnamnet đến tận 4 năm sau.

Những ngày đó tuy vất vả, đầy thách thức, nhưng tôi không buồn, không bức xúc. Tôi hiểu rằng trong một đất nước đang chuyển đổi, thì nhận thức khác nhau là lẽ đương nhiên, đã xác định đi theo con đường đổi mới thì phải sẵn sàng và vui lòng chấp nhận thiệt thòi. Có những lần họp xét kỷ luật tôi ở Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ trưởng chủ trì, Thứ trưởng và lãnh đạo các cục cùng họp, tôi rất thoải mái và vui vẻ nói với các anh ấy: “Nếu các anh thấy cần kỷ luật để làm hài lòng cấp trên, tôi sẵn sàng nhận bất kỳ hình thức kỷ luật nào mà không oán trách các anh, hoặc oán trách các vị lãnh đạo. Nhưng tôi không thấy mình sai. Tôi tin tôi làm đúng, tôi tin Vietnamnet làm đúng. Những gì chúng tôi làm không gì khác ngoài mục đích góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Có cái làm được, có cái còn sai sót, nhưng tôi luôn lạc quan, vững tin và vui khi nghĩ đến anh em Vietnamnet”. Như trong những bài viết kỷ niệm sinh nhật Vietnamnet, hay mỗi dịp 21-6, chúng tôi đều nhắc đi nhắc lại một điều: Vietnamnet nguyện phấn đấu là “người con hiếu thảo” của dân tộc, nguyện phục vụ nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

- Dù sao thì vị trí Tổng Biên tập Vietnamnet cũng là một vị trí đầy quyền lực. Lẽ nào khi duyệt đăng những bài báo mà chắc chắn anh đã nhận thức được nó sẽ gây ra rắc rối cho bản thân, anh không đắn đo dù chỉ một chút về việc nó sẽ khiến “cái ghế” của anh bị lung lay? Bây giờ nghĩ lại anh có thấy tiếc không khi đang có quyền lực, có lời ngợi khen của xã hội thì anh lại ra đi?

- Có lẽ là do tính cách con người, cũng có thể là do số phận. Nhưng tôi nghiệm ra rằng, trong suốt cuộc đời, tôi luôn là người tạo dựng những cái mới từ con số 0, chứ không ai cho mình sẵn để mình hưởng thụ. Nên tôi không cảm thấy sợ hãi nếu phải bắt đầu lại. Có lẽ vì thế, tôi không bị ám ảnh, tha hoá bởi quyền lực, hay lo sợ mất quyền lực. Tôi chỉ luôn nghĩ đến bạn đọc, đến những người tốt luôn đồng hành, giúp đỡ mình và nghĩ đến những anh em ở Vietnamnet, tự hỏi mình đã làm được những gì, đã xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của bạn đọc và cộng tác viên chưa? Và tôi xác định tâm thế bất cứ lúc nào cũng có thể phải ra đi. Khi tôi từ chức Tổng Biên tập Vietnamnet, có người chia sẻ, có người buồn thương, có người tiếc nuối, nhưng cũng có những người hả hê, đắc thắng.

Tôi không bị chi phối nhiều bởi những luồng ý kiến khác nhau đó, chỉ coi nó là lẽ thường trong xã hội. Chuyện tung hô hay chê bai là lẽ đương nhiên, cũng như có cái làm hay, có cái làm dở. Tôi nghĩ nhiều đến những anh em đã kề vai sát cánh cùng tôi xây dựng Vietnamnet, khi quyết định rời khỏi toà soạn Vietnamnet, tôi thanh thản, hài lòng với bản thân, về những gì mình đã làm để thực hiện tâm nguyện phấn đấu là “người con hiếu thảo” của dân tộc.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội nghị BGF 11-2014 ở Harvard. Trong ảnh là ông Michael Dukakis (thứ hai từ phải sang) và nhà báo nổi tiếng của New York Times - Dabid Sanger.

- Như vấn đề Biển Đông chẳng hạn, nếu khi xưa là “vùng cấm”, là đề tài nhạy cảm, thì giờ đây được thảo luận sôi nổi trên các mặt báo và có được sự đồng thuận cao trong xã hội, từ các nhà lãnh đạo đất nước cho đến người nông dân. Sau khi đã trải qua ngần ấy thách thức và nhận kỷ luật, giờ phút này, nếu nhìn từ góc độ cá nhân người làm báo, anh có cảm thấy hạnh phúc, tự hào về tầm nhìn của mình, khi mình đã “đi trước” một cách vô cùng dũng cảm từ cách đây 7,8 năm?

- Cũng có một chút tự hào, nhưng tôi vui nhiều hơn, vì như vậy rõ ràng đang có những thay đổi rõ rệt, giúp người dân được tiếp cận thông tin chính thống, đầy đủ về vấn đề hệ trọng này của đất nước. Tôi cũng vui vì những gì Vietnamnet ngày đó làm được còn là trí tuệ, tâm huyết của các cố vấn, các cộng tác viên, của bạn đọc và của cả nhiều vị có trách nhiệm, có cương vị trong hệ thống chính trị, của những người Việt Nam yêu Tổ quốc. Những tâm huyết, nguyện vọng đó đã được lãnh đạo đất nước hôm nay ủng hộ tạo điều kiện được thông tin rộng rãi trên truyền thông chính thống của đất nước.

- Với việc xây dựng thương hiệu Vietnamnet, nhiều người ví anh như “người tiên phong”, không chỉ khai sinh ra mô hình báo mạng điện tử mà còn làm nên “cuộc cách mạng” thực sự khi biến đó thành một diễn đàn tập hợp các trí thức tham gia phản biện xã hội với tất cả sự nhiệt tình, thẳng thắn và niềm hy vọng. Anh nghĩ liệu trong tương lai, báo chí Việt Nam có thể có một “cuộc cách mạng” khác, và nếu có thì anh hình dung, cuộc cách mạng này sẽ như thế nào?

- Nói là “cuộc cách mạng” thì đao to búa lớn quá. Nhưng tôi nghĩ báo chí nhất định phải có những thay đổi để thích nghi với thời đại mà mạng xã hội đang bùng nổ trên toàn thế giới.  Nhưng nó cũng sẽ là cơ hội để các tờ báo cải tổ, đổi mới, tiến lên một tầm cao mới. Nếu như mạng xã hội là nơi thông tin nhiễu loạn, tốt có, xấu có, tin chính xác có sở cứ có, tin sai sự thật, vu khống, bôi nhọ có, hoa thơm có, cỏ dại có, thì báo chí phải chứng minh được đẳng cấp, sự khác biệt của mình so với mạng xã hội, đó là tính xác thực, bảo đảm chính xác, và  khả năng dẫn dắt, định hướng  xã hội.

Tôi hy vọng rằng, báo chí góp phần xây dựng đoàn kết dân tộc, để toàn dân tộc có chung ý chí, có chung mục tiêu xây dựng Việt Nam văn minh, giàu mạnh và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Trong kỷ nguyên Internet, thời đại mà mọi dân tộc có cơ hội để bứt phá ngoạn mục, báo chí truyền cảm hứng, truyền nghị lực để mỗi người Việt Nam cháy bỏng khát vọng được thế giới nể trọng; để có thể tự hào không chỉ vì những cuộc chiến tranh giữ nước, mà còn có quyền tự hào về những thành tựu xây dựng kinh tế, văn hoá  và những đóng góp cho nhân loại… Báo chí tập hợp trí tuệ xã hội để có những giải pháp phát triển kinh tế, xây dựng văn hoá Việt Nam, xây dựng nhân cách con người Việt Nam trung thực ham học hỏi, nhân ái, có ý chí vượt khó, có tinh thần dũng cảm, sẵn lòng giúp đỡ người khác, có khả năng sáng tạo cao.

Báo chí Việt Nam hôm nay không chỉ có tiếng nói ở trong nước mà xây dựng uy tín, ảnh hưởng ở những nước văn minh, tiên tiến. Báo chí Việt Nam nắm bắt, áp dụng những công nghệ mới nhất và tiến đến tự chủ về tài chính. Chúng ta có thể đạt được nhiều hơn những gì chúng ta đang có bây giờ. Lúc này báo chí tập trung dẫn dắt, định hướng xã hội tập trung tìm giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí không để xã hội phân tâm, sa đà vào tranh luận những vấn đề đã qua của lịch sử, bởi vì trí tuệ, thời gian của mỗi người đều hữu hạn, nếu năng lực, thời gian tập trung vào đó thì sẽ yếu đi về năng lực và mất đi thời gian để tìm giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng của đất nước hôm nay và mai sau. Càng tệ hơn nếu báo chí dẫn dắt xã hội mất thời gian, năng lực vào tranh luận những câu chuyện, những nhân vật giải trí, tiêu dùng...

- Sự thật là hiện tại, xu hướng chung mà hầu hết các tờ báo ở Việt Nam lựa chọn đơn thuần là tin tức, tin tức và tin tức, yếu tố định hướng và dẫn dắt như anh nói chưa làm tốt. Trong khi, về mặt thông tin, nhiều khi chúng ta bị hụt hơi. Như khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, báo chí Việt Nam đã đi sau hẳn một bước so với mạng xã hội và các hãng thông tấn nước ngoài…

- Một phần là do cách nghĩ, cách làm cũ của các cơ quan quản lý báo chí hiện nay. Và nếu muốn đổi mới, thì sự đổi mới phải đến từ chính những cơ quan này. Nhưng tôi tin điều đó không khó. Bởi trong chiến tranh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh để thích ứng với thực tiễn. Chẳng có lý do gì mà bây giờ chúng ta lại không thể điều chỉnh cách nghĩ, cách làm, để có lợi cho chính chúng ta. Nhưng trong lúc chờ đợi sự thay đổi đó, người làm báo vẫn có thể tìm cách làm sáng tạo trong từng tình huống cụ thể, để tháo gỡ những cái khó của mình.

Ví dụ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, Vietnamnet đưa tin ngay, rồi nhận được chỉ thị phải gỡ xuống để chờ thông cáo chính thức của Ban chấp hành Trung ương. Tôi phải tuân theo chỉ thị đó là gỡ bài, nhưng ngay lập tức Vietnamnet đã đăng một bài viết về tiểu sử, cũng như ca ngợi công lao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bài viết rất dài, rất trang trọng, được đặt trên top trang chủ Vietnamnet trong nhiều giờ liền. Vậy là dù chưa được thông tin chính thức, độc giả cũng đã hiểu phần nào thông điệp mà chúng tôi truyền đi trong bài báo.

Hoặc ngày 17/2/2009, kỷ niệm 30 năm nhà cầm quyền Trung Quốc đem quân xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam, Ban Tuyên giáo lúc đó chỉ đạo không đưa các bài viết về cuộc chiến tranh này. Vietnamnet chấp hành chỉ thị đó, nhưng chúng tôi có bài viết giới thiệu những bài hát về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc vào đúng ngày 17/2/2009.

-  Giờ nếu anh còn làm báo trong nước, có thể anh sẽ không còn bị kỷ luật về một bài báo như bài “Hoàng Sa - Trường Sa và sự đồng thuận Việt Nam”. Nhưng theo anh, chúng ta có còn những “vùng cấm” mà báo chí chưa thể tiếp cận đến. Nếu có, cái đó tốt hay xấu cho sự phát triển?

- Thời chiến tranh, việc có những “vùng cấm” thông tin là điều dễ hiểu. Nhưng ở thời điểm này, tư duy đó cần được thay đổi. Việc chưa cởi mở trong đăng tải thông tin trên báo chí chính thống chỉ khiến cho lòng tin của độc giả với báo chí suy giảm, thậm chí suy giảm lòng tin với chế độ, đẩy họ sang mạng xã hội, sang các tờ báo “lề trái” với những thông tin bất lợi cho chính nhà nước… Trong khi lẽ ra, nếu ta cứ đàng hoàng bàn bạc, thảo luận cùng nhân dân trên báo chí, chỗ nào sai thì sửa, chỗ nào chưa hợp lý thì điều chỉnh, chúng ta sẽ có được niềm tin của nhân dân. Nếu như cách đây gần 10 năm chúng ta ngại ngần trong việc nhắc đến chủ quyền biển đảo, thì bây giờ, chủ đề đó đang được bàn luận sôi nổi và nhận được sự đồng thuận cao trong dân chúng. Vậy tại sao chúng ta phải e ngại? Tại sao chúng ta phải né tránh?

Trong thời đại thông tin bùng nổ, thay vì tạo ra những “vùng cấm”, các cơ quan quản lý báo chí có thể dẫn dắt người dân thâu nạp, tiếp nhận thông tin trên cơ sở tư duy lý tính, khoa học. Mà muốn thế, thì những cơ quan quản lý, những người chỉ đạo báo chí dẫn dẵn các cơ quan báo chí bằng trí tuệ, thuyết phục bằng lẽ phải và hợp lòng dân. Điều mà chúng ta cần “cấm” là “cấm” các bài viết, bài tranh luận trên báo theo cách tranh luận thiếu sở cứ, nặng về suy diễn, quy chụp, hoặc tranh luận với lời lẽ thiếu văn hoá kiểu to mồm, mà thiếu lý lẽ logic, thiếu sự tôn trọng người khác, nặng hơn là bôi nhọ, vu khống...

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn trong một cuộc
bàn tròn khi là TBT Vietnamnet. Ảnh: Lê Anh Dũng.

- Nghề báo có giúp anh hình thành lối tư duy lý tính như anh nói hay không? Trong cuộc đời làm báo của mình, có khi nào, vì một lý do nào đó, mà quan điểm của anh, góc nhìn của anh với một vấn đề đã hoàn toàn thay đổi?

- Là nhà báo, tôi có cơ hội được tiếp cận nhiều thông tin, gặp gỡ nhiều con người, từ các lãnh đạo cao cấp đến người dân bình thường trong xã hội. Có những bài học rất quý trong thời gian làm báo. Như có những nhân vật bị dư luận xã hội đồn thổi rất tệ, bản thân tôi trước khi gặp họ cũng không cảm tình qua những dư luận ấy. Nhưng khi gặp gỡ, tiếp xúc với họ, có dịp cọ xát với họ qua công việc cụ thể, tôi nhận ra họ bị những người ghét tung tin nói xấu. Từ đó, cách tư duy, cách tiếp cận vấn đề của tôi cũng thay đổi, lý tính hơn, không bị chi phối quá nhiều bởi cảm xúc hoặc dư luận. Và tôi đã tự xác định cho mình một cách ứng xử điềm tĩnh với dư luận khen, chê.

- Công việc của anh bây giờ khác gì so với thời còn ở Vietnamnet?

- Tôi đã làm việc ở Boston được 4 năm, hiện là Tổng Biên tập của Diễn đàn Toàn cầu Boston (Boston Global Forum - BGF). Diễn đàn Toàn cầu Boston do Giáo sư Michael Dukakis, cựu Thống đốc bang Massachusetts, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ làm chủ tịch, và đồng sáng lập với các giáo sư có uy tín của Đại học Harvard. Với sự tụ họp các học giả có uy tín ở Harvard, MIT và các trường đại học ở Boston, chúng tôi tập trung vào việc tìm giải pháp cho các vấn đề hoà bình và an ninh toàn cầu: trên đất liền, trên biển, trên Internet. Như năm vừa rồi, BGF tổ chức các hội nghị xây dựng sáng kiến về hoà bình và an ninh ở Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông. Năm nay và năm tới, chúng tôi hướng tới an ninh mạng, một “không gian” sống mới của nhân loại. Giáo sư Michael Dukakis cùng nhóm lãnh đạo của Diễn đàn Toàn cầu Boston đang xây dựng Bộ quy tắc chuẩn mực cho hòa bình và an ninh trên mạng .

- Là Tổng biên tập của Diễn đàn Toàn cầu Boston, chắc anh không phải trải qua những đêm “khó ngủ” như thời còn ở Vietnamnet?

- Quãng thời gian 4 năm qua ở Boston tương đối đẹp, thanh thản, làm được những vấn đề có ý nghĩa toàn cầu. Nhưng quãng đời làm báo dù nhiều vất vả, thách thức là một quãng đời nhiều ý nghĩa mà tôi rất quý trọng. Những trải nghiệm, những năm tháng xây dựng, lãnh đạo Vietnamnet là hành trang để tôi xây dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston hôm nay. Khi nghĩ đến Vietnamnet, tôi luôn xúc động về hơn 13 năm gắn bó với anh em ở đó, về những ân tình mà bạn đọc, cộng tác viên, các vị cố vấn... đã dành cho và đồng hành cùng với mình.

- Nếu bây giờ có một lời đề nghị anh quay trở về Việt Nam, trở lại với cương vị tổng biên tập ở một tờ báo mà ở nơi đó, anh có thể tiếp tục thực hiện những ý tưởng của mình như ý tưởng của anh thời kỳ ở Vietnamnet, liệu anh có trở về?

- Hiện tôi rất yêu thích công việc đang làm. Tôi thường không đặt ra cho đời mình hai chữ “nếu như”, tôi cũng chưa bao giờ tin là sẽ có một lời đề nghị như thế. Dù xa, nhưng trái tim và tình cảm vẫn dành cho Việt Nam, vẫn không cảm thấy xa Tổ quốc, nhất là với Internet. Trong khả năng của mình, làm gì được cho đất nước tôi vẫn làm, dù ở xa về khoảng cách địa lý. Thực ra xa về địa lý không đáng ngại bằng xa về cách nghĩ, cách làm, xa về các quan niệm về giá trị của cuộc sống.

- Có thể anh chưa nghĩ tới chuyện quay trở lại, nhưng anh có hài lòng không, với việc trước tên gọi của mình, là danh xưng “nhà báo” chứ không phải là  giáo sư, tiến sĩ, hay bất cứ điều gì khác?

- Tôi vẫn giữ thẻ nhà báo đến tận bây giờ như một kỷ niệm quý, và công việc hiện nay cũng là Tổng Biên tập, vẫn thấy vui khi ai đó gọi mình là nhà báo. Tôi vẫn đang giữ tư duy của một người làm báo. Danh xưng ấy và những năm tháng ấy rất thiêng liêng trong tôi. Tôi tri ân và ghi sâu những ân tình, tôi bỏ qua và thông cảm với những người đã làm điều không tốt với tôi. Mỗi ngày tháng đều rất đẹp và rất quý.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Lan Hương (thực hiện)