13 juin 2015

Philippines kêu gọi thế giới “ép” TQ ngừng cải tạo đảo


An An (tổng hợp)

 
- Lời kêu gọi đưa ra vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá; phá hủy cuộc sống của các khu dân cư ven biển.

“Tôi tự hỏi không hiểu tại sao các nhà khoa học Trung Quốc không hề đề cập vấn đề này” - Cựu Bộ trưởng Môi trường Philippines Angel Alcala nói.
 
Theo lời ông Alcala, các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo của Trung Quốc sẽ phá vỡ sự phân bố của ấu trùng hoặc trứng cá đã phát triển.

“Các đảo san hô vòng rất quan trọng ở biển Đông. Tại trung tâm của các đảo san hô vòng là những vụng biển, ở đó có nhiều loài cá và ấu trùng. Ấu trùng di chuyển đến các quốc gia khác nhau nhờ vào những dòng hải lưu. Nếu bao quanh vụng biển là đường giao thông hoặc máy bay, xác suất ấu trùng thoát ra ngoài sẽ sụt giảm” - Cựu Bộ trưởng Môi trường giải thích.
Và rồi cuối cùng, các hoạt động của Trung Quốc sẽ phá hủy cuộc sống của các khu dân cư ven biển. Do đó, ông Alcala cho rằng thế giới nên “ép” Trung Quốc ngừng hành vi bồi đắp đảo phi pháp.
Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở biển Đông hủy hoại 1,2 km vuông rạn san hô. Ảnh: PHILSTAR
 Cùng lo ngại này, giới chuyên gia Mỹ cũng đã chỉ ra nguy cơ này tại cuộc hội thảo với chủ đề “Hội tụ Khoa học Biển và Địa chính trị tại Biển Đông", tổ chức tại Mỹ.
Bên cạnh những lo ngại về vấn đề tranh chấp chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế, các học giả Mỹ đồng nhất quan điểm cho rằng những hoạt động cải tạo và san lấp thời gian qua là hết sức đáng quan ngại, đe đọa hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái biển ở Biển Đông.
Giáo sư John McManus, Giám đốc phụ trách chuyên ngành sinh vật học hải dương và nghề cá thuộc Đại học Miami đã phân tích: "Trung Quốc đang tiến hành đổ cát, bồi đắp và mở rộng các đảo đá và bãi ngầm với quy mô lớn ở Biển Đông. Những hoạt động như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển ở khu vực quần đảo Trường Sa, tàn phá các rạn san hô, các loài sinh vật biển", Giáo sư John McManus bày tỏ lo ngại.
Đồng quan điểm, ông James Borton cho rằng: "Việc Trung Quốc gia tăng các vụ xung đột và đụng độ với các nước láng giềng liên quan tới chủ quyền tại Biển Đông có nguy cơ gây ra một thảm họa về môi trường, tự do hàng hải, gây phương hại ngành đánh bắt cá, đe dọa các hệ sinh thái biển và một trong những vùng biển có hệ san hô đẹp nhất của thế giới".
Để bảo vệ môi trường sinh thái tại đây, Giáo sư John McManus đưa ra ý tưởng xây dựng “Công viên Hòa bình Biển” (Marine Peace Park) ở quần đảo Trường Sa, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không cải tạo các đảo và bãi đá với quy mô lớn.
Từng trao đổi với báo Đất Việt bên lề Quốc hội, ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng cũng nhận định: Việc Trung Quốc tiến hành cải tạo một cách rộng lớn như vậy, đổ hàng vạn khối bê tông cốt thép làm biến dạng môi trường sinh thái, làm thay đổi nơi trú ngụ của các loài sinh vật biển, hải sản biển làm ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy, hải sản chung, có nguy cơ làm thay đổi dòng chảy… Do đó, thế giới cần lên tiếng chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Báo cáo thường niên về tình hình quân sự của Trung Quốc được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 8/5/2015 cho biết, chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp 600 hécta ở Biển Đông.
Và tính từ đầu năm 2014 đến nay, tổng số diện tích mà Trung Quốc "san nền" các bãi đá, đảo ở Biển Đông là 800 hécta.
Tờ Libération của Pháp ra ngày 11/5 tường thuật chi tiết: “Trong số ít nhất 7 hòn đảo nhỏ thuộc Biển Đông mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo, cơi nới diện tích có đảo Đá chữ Thập (mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam) bị biến dạng nhiều nhất. Theo tờ báo, chi phí cho việc cải tạo hòn đảo này có thể lên đến 12 tỷ USD. Hòn đảo mà nguyên thủy là một bãi đá san hô này đang trở thành “một căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa. Chỉ trong vòng vài tháng được bồi đắp, diện tích của đảo Đá chữ Thập đã được mở rộng gấp 11 lần”.
Phần lớn các nhà phân tích đều nhận thấy ý đồ Trung Quốc muốn thay đổi thực trạng các đảo đang có tranh chấp để xây dựng cơ sở hạ tầng quốc phòng của họ ở Biển Đông.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định hành vi lấn biển, xây đảo trái phép của Trung Quốc “gây thiệt hại trên diện rộng và không thể đảo ngược” đối với đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái của biển Đông.
Cơ quan này cáo buộc hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở biển Đông hủy hoại 1,2 km2 rạn san hô, làm tổn thất 100 triệu USD/năm.
 
   An An (tổng hợp)
 
Nguồn: Theo Báo Đất Việt