17 juillet 2015

Sau chín năm rưỡi chờ đợi, New Horizons đến gần Pluto


Tuesday, July 14, 2015 3:32:20 PM

LAUREL, Maryland (NV) - Hỏa tiển Atlas V đưa phi thuyền New Horizons rời khỏi trái đất vào ngày 19 tháng Giêng, 2006, từ mũi Canaveral, Florida, vừa bay đến gần Pluto, hành tinh nằm ở rìa Thái Dương Hệ vào hôm Thứ Ba, 14 tháng Bảy.
 


Hình mới nhất của Pluto chụp từ hệ thống LORRI trên phi thuyền New Horizons hôm 13 tháng Bảy, 2015, khi còn cách hành tinh gần nửa triệu dặm. Chú ý chỗ sáng ở nửa bán cầu dưới của Pluto có hình một trái tim toàn vẹn. (Hình: Getty Images/NASA)

New Horizons tuy bay với vận tốc 32.000 dặm mỗi giờ nhưng phải mất chín năm rưỡi mới đến nơi.

Sau cuộc gặp gỡ lịch sử này, tất cả chín hành tinh trong hệ mặt trời chúng ta đều được kể như đã từng có phi thuyền của loài người đến thám sát. Vì tầm quan trọng của chuyến thám hiểm mà năm nay được mệnh danh là ‘The Year of Pluto.’

New Horizons đến gần Pluto vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm, ngày một phi thuyền của Mỹ, chiếc Mariner 4 của NASA, bay sát qua Hỏa Tinh lần đầu tiên vào hôm 14 tháng Bảy, 1965.

Được biết vào năm 2006, Pluto bị giới khoa học thiên văn giáng cấp xuống thành “hành tinh lùn” thay vì một hành tinh chính thức, điều đến này vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi, hy vọng lần này New Horizons sẽ giúp họ giải tỏa được vấn nạn.

Với những dụng cụ quang học, chụp được bằng tia hồng ngoại lẫn cực tím, New Horizons sẽ bay ngang cách Pluto 7,800 dặm và trong 12 ngày, nó sẽ thực hiện một loạt các sứ mệnh được giao phó, gồm việc thu thập dữ kiện của Pluto và Charon, mặt trăng của nó.

Từ đây, phi thuyền sẽ bắt đầu liên tục gửi dữ kiện thu thập được về trái đất theo vận tốc ánh sáng (300.000 km/giây).

Với khoảng cách 3 tỉ dặm giữa phi thuyền với trái đất, một tín hiệu gửi đi phải chờ hết 4 tiếng rưỡi mới nhận được. Các khoa học gia dự trù phải mất hết 16 tháng mới lấy hết dữ kiện chứa trong bộ nhớ của New Horizons.

Charon là mặt trăng lớn nhất của Pluto, đường kính bằng nửa Pluto, nằm cách phi thuyền gấp ba lần. Các khoa học gia tính toán làm sao để phi thuyền bay ngang qua khi Charon đi vòng vào mặt tối của Pluto, với ánh sáng phản chiếu của Charon phi thuyền quan sát được mặt tối đó.

Ngoài ra đường bay của New Horizons cũng được tính để có thể trông thoáng qua được bốn mặt trăng tí hon còn lại của Pluto như Styx, Nix, Hydra và Kerberos.

Về phần New Horizons, nó sẽ tiếp tục bay vào dãi Kuiper Belt, nơi gồm toàn những thiên thạch, sao chổi băng giá, di chuyển trên một quĩ đạo ngoài rìa Thái Dương Hệ.

Sau đó phi thuyền đi vào không gian sâu thẳm.

Vào thập niên 1960, loài người bắt đầu khám phá các hành tinh có cấu tạo đất đá nằm gần mặt trời như Thủy Tinh, Kim Tinh, Hỏa Tinh.

Sang thập niên 1980, tiến lên thám hiểm các hành tinh nằm xa hơn, nơi cấu trúc toàn là thể khí như Mộc Tinh, Thổ Tinh..

Và nay chúng ta tìm giải đáp những thắc mắc cuối cùng của Thái Dương Hệ nơi các hành tinh băng giá, nằm ở ngoài cùng hệ mặt trời.

Ông Alan Stern, nhà khảo cứu chính của New Horizons, phát biểu: “Sẽ không còn một sứ mệnh nào khác tương tự trong thế hệ chúng ta. Chúng ta là những kẻ duy nhất trong thế kỷ 21 có kế hoạch thám hiểm một hành tinh ở ngoài biên cương của Thái Dương Hệ, và sẽ không có ai làm lại điều này.”

Chính vì lý do đó mà chuyến bay của New Horizons được giới truyền thông chiếu cố kỹ càng.

Tuy nhiên vì New Horizons hiện rất bận rộn, nó không thể vừa thu thập dữ kiện vừa gửi về trái đất.

Do vậy phải một ngày sau trái đất mới nhận được loạt hình ảnh đầu tiên từ phi thuyền. (TP)
 
 
Nguồn: Theo Người Việt