21 novembre 2015

Chống khủng bố ở Paris - vài nét tình người

Bùi Tín

Hoa được đặt trước nhà hàng Le Petit Cambodge và Le Carillon để tưởng nhớ các nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố.
Thứ sáu ngày 13, vốn là ngày xui theo truyền thuyết dân gian phương Tây, đã diễn ra cuộc khủng bố lớn nhất xưa nay ở nước Pháp, do lực lưọng cực đoan theo Hồi giáo mang tên Nhà Nước Hồi giáo (Islamic State - IS) thực hiện. Tổ chức này hiện chiếm khoảng 1/3 lãnh thổ 2 nước Trung Đông Iraq và Syria, có tham vọng mở rộng dần ra khắp vùng Trung Đông.


Mấy tháng nay các cơ sở của IS đã bị các lực luợng vũ trang của chính quyền Iraq và Syria tấn công, đồng thời còn bị không quân của Pháp, Anh, Hoa Kỳ, và Nga oanh kích trên quy mô ngày càng lớn. Một liên minh chống IS trên thực tế đã hình thành gồm Hoa Kỳ, Liên Âu cùng với Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Jordan… Nga đã tham gia cuộc chiến nhưng với mục đích riêng là bảo vệ chính quyền của Tổng thống al-Assad, các cuộc không kích nhằm phần lớn vào các lực lượng nổi dậy chống al-Assad.

Nhưng sau khi một máy bay hàng không dân dụng của Nga bị IS phá hủy trên không làm trên hơn 200 người thiệt mạng, và sau cuộc khủng bố lớn ở Paris nói trên, Tổng thống Putin thay đổi thái độ, đồng ý gia nhập cuộc chiến đấu chung nhằm trước hết tiêu diệt IS, kẻ thù chung của toàn thế giới. IS đe dọa sẽ trả đũa bằng các cuộc khủng bố ở Nga và các nước Đông Á thuộc Liên Xô cũ, với số dân theo đạo Hồi khá lớn. IS tuyển mộ hàng chục nghìn thanh niên Hồi giáo khắp thế giới đến Syria học tập về tôn giáo và luyện tập các biện pháp khủng bố nhằm gây nhiều thương vong.


Cuộc khủng bố ngày thứ sáu 13/11 ở Paris do 3 nhóm gồm 8 phần tử IS được vũ trang bằng súng tự động và chất nổ thực hiện ở 5 điểm. Cũng may là nhóm định lẻn vào sân vận động Stade de France, trong lúc diễn ra trận đấu giữa 2 đội bóng đá Pháp - Đức, với 80 ngàn người xem, đã thất bại, chỉ kích nổ tự sát ở phía ngoài sau khi trận đấu diễn ra được 20 phút. Tổng thống Pháp Francois Hollande và bộ trường Công an có mặt được thông báo liền ra lệnh «đóng chặt cửa không cho ai vào cũng không cho ai ra», để tránh gây hoảng loạn. Cuộc đấu bóng vẫn tiếp tục cho đến lúc kết thúc, sau gần 2 giờ nhiều người trong sân vận động cũng không hiểu điều gì xảy ra khi nghe 2 tiếng nổ lớn bên ngoài. Tổng thống Hollande cùng bộ trưởng Công an bí mật về ngay điện Élysée triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng và loan báo với cả nước: IS đã khai chiến với nước Pháp, và «nước Pháp trong tình trạng chiến tranh chống khủng bố».

Sau đó, bọn khủng bố tấn công nhà hát Bataclan và 2 quán ăn trong Quận X và Quận XI, nổ súng bừa bãi giết chết gần 100 người, phần đông là các bạn trẻ dưới 30 tuổi đang mê say nghe một ban nhạc Hoa Kỳ sang biểu diễn. Tại đây 1 tên khủng bố đã bị một cảnh sát bắn chết, một tên trốn thoát đang bị truy lùng.

Đến nửa đêm 13, vùng Quận X và Quận XI vẫn còn đông người. Vì xe bus và métro công cộng tạm ngừng hoạt động, lập tức nhiều gia đình các khu phố ở quanh mở rộng cửa mời bà con vào nghỉ chân, sưởi ấm, uống cà phê, trà nóng, ăn nhẹ. Trên điện thoại cá nhân, trên Ipad, Facebook phát đi rất nhiều lời mời người chưa có chỗ trú tạm về nhà mình, ghi rõ đường đi, địa chỉ, với phong trào «mở cửa» - Porte ouverte. Nhiều gia đình niêm yết ở cửa nhà «Porte Ouverte » mời khách vào nhà, có nước nóng, cà phê, nuớc chè, súp, nhà tắm bồn nước ấm và giường có chăn nệm. Rất nhiều người có người thân, bạn bè chết vì trúng đạn, trong cơn buồn đau khôn cùng lại bị bơ vơ trên đường phố giữa đêm đông lạnh buốt, được an ủi ấm cúng như thế.

Tình người còn biểu hiện sinh động là các nhóm và công ty taxi của cả 4 quận ở quanh đã lên đường sẵn sàng chở bà con đang mệt mỏi đau buồn về nhà miễn phí, khi các phương tiện công cộng tạm ngừng vì lý do an ninh. Có đến hơn 1.000 xe taxi tự đông rủ nhau làm việc thiện này, ở trước xe có ghi giòng chữ «Taxi miễn phí, xin mời!».

Xin ghi lại vài nét sơ sơ mà cao quý về tình người trong cơn hoạn nạn để gửi về nước cho người Việt ta  thấy rõ trong một xã hội dân chủ văn minh, cuộc sống xã hội và trong từng gia đình đã hun đúc nên tình thương yêu nhau tự phát trong cơn hoạn nạn.

Còn ở nước Việt Nam mang danh là chế độ XHCN, người yêu nước bị chính người có nghĩa vụ bảo vệ mình bắt vào cơ quan công an và đánh đập, tra tấn cho đến chết, các luật sư bênh vực cho dân oan cũng bị đánh cho tóe máu, khi chính công an bị dân gọi là côn an. Chỉ trong vòng 2 năm đã có hàng trăm người dân bị thiệt mạng và bị thương tật trong trụ sở công an và trong trại giam do công an quản lý. Vậy mà cả 500 người mang danh đại biểu Quốc hội không dám hé răng chất vấn bộ trưởng Công an lấy một lời.

Trong các cuộc biểu tình xuống đường, nhiều người lớn tuổi vẫn bị đánh đập, chửi bới, bắt đi; nhạc sỹ cao tuổi Tạ Trí Hải, chỉ vì lòng yêu nước thương dân qua tiếng đàn nơi công cộng, đã bị đánh cho gẫy một ngón tay và đàn bị đập vỡ tan tành, thật không còn có gì để nói thêm về một chế độ mất hết nhân tính như thế.

Xin được phép biểu dương tình người cao quý của các chiến sỹ đòi Nhân quyền, Dân chủ ở quê nhà đã thương yêu đùm bọc, an ủi nhau, bảo vệ nhau trong cơn hoạn nạn bị bọn công an mất hết tình người đầy đọa, anh chị em lên tận trại giam đón bạn mình được tư do, có khi đứng cả đêm trước trụ sở Công an, đòi thả người bị bắt một cách phi pháp, đến thăm hỏi nhau khi bị thương do công an hành hạ.

Bùi Tín