24 mai 2016

CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TT. OBAMA: HY VỌNG “TAN SƯƠNG ĐẦU NGÕ VÉN MÂY GIỮA TRỜI”

Đào Tiến Thi


1. Vài cảm nhận qua thực tế

Cách đây hơn một năm, trước chuyến đi Mỹ của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, một cán bộ an ninh quận đến nhà tôi để “đả thông tư tưởng”, đại ý rằng: Ta mở rộng quan hệ ngoại giao với Mỹ nhưng luôn luôn cảnh giác, vì Mỹ vẫn giữ thái độ thù địch với Đảng ta. Tôi đã phản ứng dữ dội. Tôi yêu cầu anh ta chứng minh nước Mỹ hiện nay thù địch với ta ở chỗ nào, anh ta không chứng minh được. Còn tôi, sau đó tôi chứng minh Trung Cộng mới là thế lực thù địch nguy hiểm nhất trên mọi phương diện, đáng cảnh giác, đáng chống nhất hiện nay. Và trong cuộc chống Trung Cộng bảo vệ Tổ quốc, cần phải hợp tác và nhờ sự giúp đỡ của Mỹ.
 
 


Lùi lại thời gian cách đây 15 năm trước, khi vụ khủng bố 11-9-2001 xảy ra, lúc đó tôi còn đang dạy học ở một tỉnh lẻ, dư luận về vụ khủng bố rất khác nhau. Có những người ở trường tôi sung sướng bảo rằng thật đáng đời Mỹ. Ban đầu tôi cũng hoang mang: phải chăng nước Mỹ gây quá nhiều hận thù nên phải trả giá? Nhưng ngay sau đó tôi nhận thấy đây là một vụ khủng bố chống lại nền văn minh nhân loại và việc Mỹ tấn công Afganistan, tiêu diệt cái chính phủ đã dung dưỡng cho trùm khủng bố Bin Laden các thủ lĩnh Al-Qaeda là cần thiết. Tiếp theo, khoảng đầu năm 2003, khi Mỹ tuyên bố chuẩn bị đánh Iraq, học trò hỏi tôi thầy ủng hộ Mỹ hay Iraq thì tôi không ngần ngại nói rằng ủng hộ Mỹ (học trò tôi ngạc nhiên cũng như sau này khi tôi biết ở nhiều trường đại học Việt Nam lúc đó, sinh viên dự định biểu tình phản đối Mỹ, ủng hộ Iraq). Tôi nói: chính quyền của Tổng thống Saddam Husein là một chính quyền độc tài, phản động,  nguy hiểm cho thế giới văn minh; Mỹ là “sen đầm” quốc tế nên Mỹ có nghĩa vụ trừng trị những gì có hại cho thế giới văn minh.

Lùi lại thời gian xa hơn, thời tôi đi học là thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, tôi được chứng kiến những tội ác mà chính quyền của Tổng thống Johlson rồi Nickson gây ra. Lúc ấy chính quyền Mỹ thường tuyên bố các cuộc oanh tạc miền Bắc của họ chỉ nhắm vào các căn cứ quân sự, các kho tàng của miền Bắc làm hậu cứ cho Việt Cộng ở miền Nam nhưng thực tế họ bắn phá tất cả, không chừa một chỗ nào, kể cả làng mạc, bệnh viện, trường học. Thậm chí một chiếc ca nô nhỏ chạy trên sông cũng bị máy bay Mỹ săn đuổi bắn rocket.

Sơ lược vài câu chuyện trên, tôi chỉ muốn nói rằng: Chính phủ Mỹ cũng như nước Mỹ không phải là một thực thể tĩnh tại, khép kín mà là một thực thể mở, luôn vận động, và cuộc vận động đó luôn hướng về phía dân chủ, tự do và nhân văn. Chính phủ Mỹ hôm nay khác xa chính phủ Mỹ những năm tiến hành cuộc chiến tranh can thiệp vào Việt Nam với nhiều sai lầm tội lỗi, càng khác xa với thời kỳ đế quốc chủ nghĩa, khi mà Mỹ từng ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, từng giúp thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1946 – 1954). Không có một nước Mỹ hoàn toàn tốt từ khi sinh ra cũng như không có một nước Mỹ mãi mãi là đế quốc, là xâm lược, là can thiệp vào nội bộ nước khác.

2. Giải tỏa hai nỗi lo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thực tế trong khoảng 20 năm qua, nhân dân Việt Nam ngày càng xích lại nước Mỹ. Tôi quan sát thấy ngay cả những người mang tư tưởng bảo thủ về chính trị, rất xa lạ với nền chính trị Mỹ nhưng họ vẫn gửi con đi du học Mỹ, thậm chí vẫn tìm kiếm “thẻ xanh” để sinh sống lâu dài ở Mỹ. Những người này trong thâm tâm có lẽ thấy cái CNXH ở ta còn xa vời quá, xã hội Việt Nam lại đầy bất trắc, trong khi một nước Mỹ an toàn, trọng tài năng là có thật. Đặc biệt, nền giáo dục tiên tiến của Mỹ là có thật.

Cái nghi ngại còn lại hiện nay thuộc đảng cầm quyền chứ không phải nhân dân. Có hai thứ khiến Đảng Cộng sản Việt Nam lo sợ:

- Chơi với Mỹ thì Trung Cộng giận, sẽ gây thêm sức ép cho họ.

- Tư tưởng tự do, dân chủ của Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam, đe dọa chính thể hiện thời.

Nhưng hai mối lo trên buộc Đảng phải có cách giải quyết, chứ không phải tránh là được.

Về mối lo thứ nhất, dù không chơi với Mỹ để chiều lòng Trung Cộng thì Trung Cộng cũng chẳng tha. Việt Nam càng hèn, Trung Cộng càng lấn tới. Việt Nam càng cô độc, Trung Cộng càng dễ bề  thôn tính. Thực tế trong khoảng vài chục năm qua, nhiều nước trong vòng đe dọa của Trung Cộng nhưng đã hiên ngang đứng vững vì họ đã liên minh hoặc hợp tác chặt chẽ với Mỹ (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật bản, Philipine, Myanmar,…)

Về mối lo thứ hai, xã hội Việt Nam đằng nào thì cũng tiếp nhận các giá trị tự do dân chủ, như là ruộng khô hạn tất sẽ thấm nước mưa. Hơn nữa, Việt Nam chỉ còn là một trong vài thành lũy cuối cùng vẫn còn dị ứng với tự do dân chủ, nhưng càng dị ứng càng khó bề từ chối. Các giá trị tự do dân chủ lại được sự tiếp sức của quá trình toàn cầu hóa và xa lộ internet cho nên nó càng nhanh đến bất ngờ. Chưa kể, chấp nhận kinh tế thị trường, tức là chấp nhận tự do cạnh tranh mà lại ngăn cản những quyền tự do tối thiểu thì thật là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Có thể nói tự do cạnh tranh vừa là mở đầu vừa là kết quả hội tụ của mọi thứ tự do khác, đặc biệt là tự do lập hội (buôn có bạn, bán có phường), tự do tư tưởng, tự do học thuật, tự do biểu tình (biểu tình có thể tự nó giải quyết được nạn “đi đêm”, nạn làm hàng giả, hàng rởm, nạn gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp). Vậy tại sao không chủ động mở cửa đón nhận các giá trị trên? Càng ngăn chặn tự do dân chủ thì càng có nguy cơ mất kiểm soát. Bất ngờ một ngày nào đó, có khi chỉ là sự cố ngẫu nhiên, nó “tràn lên như nước vỡ bờ” thì không thể chế độc tài nào cưỡng nổi. Chỉ trong vòng hơn hai mươi năm qua, loài người đã chứng kiến sự đổ nhào của hàng chục thể chế độc tài: Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu, Campuchia (Khmer đỏ), Iraq, Tunisia, Libya,... Ngược lại, những nước biết chuyển đổi kịp thời sang chế độ dân chủ thì vừa không đổ máu, vừa giữ được ổn định: Mông Cổ, Campuchia, Myanmar. Đặc biệt với Mông Cổ và Campuchia, vốn là những nước độc tài cộng sản, họ đã biết chủ động chuyển sang chế độ dân chủ nên vẫn giữ được vai trò cầm quyền của đảng cộng sản (chỉ bỏ mỗi chữ “cách mạng” trong tên đảng mà thôi).

3. Liên minh với Mỹ: không còn con đường nào khác

Chơi được với Mỹ là chơi được với cả thế giới tiến bộ; bị Mỹ cô lập thì cũng bị cô lập luôn với cả thế giới tiến bộ. Một thời do chiến tranh, do đối đầu ý thức hệ, ta chỉ chấp nhận chơi với thế giới trong “bức màn sắt” (thế giới XHCN). Nhưng thế giới trong “bức màn sắt” đó cũng đầy bất trắc kể từ khi Xô – Trung đối đầu (từ 1956). Sự cố gắng chơi với cả hai “ông anh” như Việt Nam cũng không kéo dài được mãi, cho đến lúc buộc phải lựa chọn một là Liên Xô (sau 1975). Nhưng sự lựa chọn này về cơ bản là thất bại, bởi hai lẽ: 1. Liên Xô cũng không còn đủ mạnh để bảo vệ Việt Nam; 2. Với “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và Liên bang CHXHCN Xô viết” ngày 3-11-1978, liên minh Việt – Xô (tạm gọi thế) mang tính nửa vời, không triệt để (hai bên không cam kết bảo vệ nhau khi một bên bị tấn công). Chính vì thế khi Trung Cộng “dạy cho Việt Nam một bài học” (cuộc chiến 2-1979) thì Liên Xô không ra tay về quân sự mà chỉ giúp Việt Nam bằng một vài hành động. Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà lãnh đạo ĐCS Việt Nam vội vã chạy về với ĐCS Trung Quốc bằng Hội nghị Thành Đô tháng 9-1990. Đây là cơ hội vàng để Trung Cộng thôn tính Việt Nam mà không cần mất một viên đạn. Cam kết Thành Đô là một sai lầm chết người nhưng không có nghĩa là không thể hóa giải. Cơ hội hóa giải Thành Đô hiển hiện đặc biệt rõ ràng khi Trung Cộng ngang ngược đem Giàn khoan 981 cắm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng lúc với sự ủng hộ Việt Nam đặc biệt nhiệt tình của người Mỹ. Có thể nói nếu không có sức ép của Mỹ thì Trung Cộng sẽ không chịu rút Giàn khoan 981 và chúng sẽ còn đi tiếp những bước leo thang còn nguy hiểm hơn vừa rồi.

Nguyên tắc “không liên minh với một nước để chống một nước thứ ba” của nhà nước Việt Nam hiện nay là một sai lầm và ngày càng tỏ ra sai lầm. Mà thực tế cũng không phải như vậy. Thực tế chính phủ Việt Nam kể từ Hội nghị Thành Đô đã chọn liên minh với Trung Quốc. Đây là một liên minh nguy hiểm, bởi Việt Nam chẳng những chẳng được gì mà chỉ có mất. Thực tế từ Thành Đô đến nay Việt nam cứ mất dần, mỗi ngày mất nhiều hơn, nặng nề hơn và khả năng mất sạch sành sanh không còn bao xa.

Trong lịch sử giữ nước, các nhà nước Việt Nam chưa bao giờ từ chối liên minh. Nước Văn Lang liên minh với nước Âu Lạc để chống quân xâm lược Tần (thế kỷ III trước CN). Nhà Trần liên minh với quốc gia Chăm Pa trong cuộc chống quân xâm lược Nguyên (1278 – 1285) và còn giữ liên minh này cho đến đầu thế kỷ XIV, khi chấm dứt sự đe dọa của quân xâm lược Nguyên. Mặt trận Việt Minh liên minh với phe Đồng Minh trong cuộc chống phát xít Nhật (1941 – 1945). Liên minh Việt  – Miên – Lào dẫn đến thắng lợi chung trong cuộc kháng chiến chống Pháp của ba nước (1946 – 1954). Việt Nam liên minh với Liên Xô trong cuộc chiến chống xâm lược Trung Cộng tháng 2-1979 và còn tiếp tục liên minh trong suốt thời gian bị Trung Cộng đe dọa cho đến Hội nghị Thành Đô.

Liên minh với Mỹ không bất trắc như liên minh giữa các nước cộng sản. Bởi vì Mỹ theo thể chế dân chủ, quyền quyết định là ở nhân dân (thông qua hiến pháp, các đạo luật và thông qua bỏ phiếu của nghị viện do dân bầu). Trong khi đó ở các nước cộng sản, các ông “vua” (“vua” cá nhân hoặc “vua” tập thể) tùy tiện quyết định, chẳng cần luật lệ nào. Khrushchov bị Mao Trạch Đông kết tội khi tuyên bố “chung sống hòa bình” với thế giới tư bản, dẫn đến đối đầu Trung – Xô mà hệ lụy là những nước nhỏ bị cái nạn “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Mao Trạch Đông bất ngờ bắt tay với Nixon (2-1972), bỏ rơi Việt Nam trong cuộc chiến Việt – Mỹ. v.v..

Liên minh với Mỹ không những để giữ vững độc lập mà còn để phát triển. Thực tế cho thấy tất cả những nước liên minh hoặc hợp tác chặt chẽ với Mỹ đều trở nên phát triển: Đức, Nhật hoang tàn sau Đệ nhị thế chiến, trong một thời gian ngắn trở thành các cường quốc. Hàn Quốc, Singapore từ những nước chậm phát triển trở thành nước phát triển. Trái lại, vẫn là người Hàn Quốc nhưng Bắc Triều Tiên chọn liên minh với Trung Quốc, biến thành một nước nghèo đói, lạc hậu và lạc điệu nhất thế giới.

Theo dõi thái độ của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam trong mấy năm gần đây tôi thấy họ thật là thân thiện và kiên nhẫn. Thái độ của họ đối với Trung Cộng (đặc biệt qua vụ Giàn khoan 981 và vụ xây đảo chìm thành đảo nhân tạo trên những đảo chiếm được của Việt Nam để thiết lập căn cứ quân sự) thật là mạnh mẽ và dứt khoát. Họ mời Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ĐCS Việt Nam lại cử ông Phạm Quang Nghị đi thay, họ cũng “OK”. Ông Phạm Quang Nghị tặng ông Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh khi ông là phi công bị bắn rơi ở Hồ Trúc Bạch, ông John McCain cũng vui vẻ nhận!

Câu lảy Kiều của ông Bill Clinton khi sang thăm Việt Nam (2000):

Sen tàn cúc lại nở hoa

Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân

Và của ông Joe Biden khi tổ chức chiêu đãi ông Nguyễn Phú Trọng tối 7-7-2015 tại Mỹ:

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

đều cùng một điệu là khép lại quá khứ để mở ra thời kỳ mới vô cùng tốt đẹp cho quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, nó có thành hiện thực hay không thiết nghĩ hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ, chủ trương của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

(ĐTT, 22-5-2016, vào đúng giờ TT. Barack Obama đến Hà Nội)