29 décembre 2016

Khi hội thẩm là em ruột nhân chứng

 
TẤN LỘC
 

 “Tôi cho rằng khi hội thẩm và nhân chứng là anh em ruột có thể dẫn đến không vô tư, khách quan trong xét xử, dù đúng là khó chứng minh sự thiếu vô tư, khách quan. Vậy nên để tránh những rắc rối về pháp lý không đáng có, tốt nhất vị hội thẩm nên từ chối tiến hành tố tụng” 


 

 


Ngày 28-12, TAND tỉnh Khánh Hòa đã hoãn xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà NTI và bị đơn là vợ chồng ông NTC (cùng ngụ xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Điều đáng nói, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ này là vợ chồng ông Lê Văn Thanh cho rằng tòa sơ thẩm thiếu vô tư, khách quan khi xét xử. Cụ thể là một vị hội thẩm nhân dân là em ruột của nhân chứng quan trọng của vụ án.

“Không có gì là thiếu khách quan cả!”

Theo đơn kháng cáo của vợ chồng ông Thanh, sau phiên tòa sơ thẩm ngày 5-8 của TAND huyện Khánh Vĩnh, họ mới phát hiện ông hội thẩm nhân dân Lê Văn Cường là em ruột của nhân chứng Lê Văn Hải. Trong khi nhân chứng Hải được triệu tập theo yêu cầu của VKS và có vai trò rất quan trọng trong đánh giá chứng cứ của tòa.

Theo bản án sơ thẩm thì vụ án này có tất cả năm nhân chứng, trong đó bốn người vắng mặt tại phiên tòa. Án sơ thẩm ghi nhận tại phiên tòa ông Hải (cán bộ địa chính xã Sông Cầu giai đoạn 2003-2012) khai: Ông là người tiếp nhận hồ sơ xin chuyển nhượng đất giữa vợ chồng ông Thanh và bà I. Khi nộp có mặt ông Thanh, bà I. và UBND xã đã chứng thực theo quy định và sau khi làm các thủ tục khác thì bà I. được cấp giấy đỏ. Khi ông C. xây nhà thì ông Hải đã kiểm tra và tạm đình chỉ thi công do ông này không phải chủ sở hữu, bà I. phải xin phép xây dựng thì ông C. mới được xây.

Với nội dung trình bày như trên, ông Thanh cho rằng nhân chứng Hải đã khai báo không trung thực. Trong khi sự thật vụ án đã không được giải quyết khách quan do ông Cường, hội thẩm nhân dân, có quan hệ thân thích với nhân chứng này…

Chiều 27-12, trao đổi với  Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, ông Cường xác nhận ông là em ruột của nhân chứng Hải. Theo ông Cường, vụ kiện này có nhiều nhân chứng, trong đó có ông Hải và lúc này ông Hải cũng không còn làm cán bộ địa chính xã. Trong quá trình giải quyết yêu cầu của VKS huyện và đương sự, tòa triệu tập khẩn ông Hải để hỏi rõ một số việc.

Ông Cường nói: “Tôi thấy việc này không ảnh hưởng gì đến kết quả xét xử, không có gì là thiếu khách quan cả. Bây giờ họ kháng cáo cho rằng ông Hải làm chứng mà tôi ngồi HĐXX là sai. Tôi thấy tòa chỉ mời nhân chứng đến hỏi một số việc chứ đâu có gì. Nếu vụ án nào có đương sự là người thân của tôi thì tôi đã từ chối rồi!”. 

Hội thẩm nên từ chối để dân tin hơn?

Trao đổi với PV, một thẩm phán TAND tỉnh Khánh Hòa cho rằng tình huống này không vi phạm tố tụng vì pháp luật không cấm. Các quy định về tố tụng không quy định mối quan hệ giữa hội thẩm nhân dân và nhân chứng là người thân thích với nhau. “Nhân chứng trong các vụ án dân sự hoặc hình sự là người thân của hội thẩm nhân dân thì tòa vẫn xử bình thường. Bởi nhân chứng không có quyền lợi trong vụ án, họ chỉ có nghĩa vụ khai báo đúng sự thật hay không” - vị thẩm phán này nêu quan điểm.

Vị thẩm phán này cũng cho hay nếu vụ án chỉ có một nhân chứng duy nhất, có tính chất quyết định trong đánh giá chứng cứ thì tòa cũng nên thay đổi hội thẩm để đảm bảo tính khách quan.

Góc nhìn khác, kiểm sát viên Phạm Bai (VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng) cho rằng trường hợp này nên thay đổi vị hội thẩm. Vì đây là trường hợp người thân thích liên quan đến HĐXX, để đảm bảo khách quan thì nên thay đổi. Ngoài ra vị hội thẩm cũng có thể từ chối tham gia phiên tòa.

“Tôi cho rằng khi hội thẩm và nhân chứng là anh em ruột có thể dẫn đến không vô tư, khách quan trong xét xử, dù đúng là khó chứng minh sự thiếu vô tư, khách quan. Vậy nên để tránh những rắc rối về pháp lý không đáng có, tốt nhất vị hội thẩm nên từ chối tiến hành tố tụng” - ông Bai nhấn mạnh.



Luật không cấm

Khoản 1 Điều 46 BLTTDS quy định người tiến hành tố tụng trong vụ án dân sự phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ là người thân thích của đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Theo khái niệm này thì đương sự trong vụ án không bao gồm nhân chứng.

Hơn nữa, theo hướng dẫn tại Điều 13 Nghị quyết 03/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì phải có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Như vậy, vụ này việc hội thẩm là em ruột của nhân chứng có tạo cảm giác của sự không khách quan nhưng thực tế không có căn cứ để chứng minh. Việc ông Thanh kháng cáo thì tòa phúc thẩm sẽ xem xét nhưng không đến mức phải hủy án nếu chỉ căn cứ vào vấn đề này.

Tuy nhiên, theo tôi, để cho rõ ràng thì khi ban hành nghị quyết mới hướng dẫn BLTTDS 2015 và thay thế Nghị quyết 03/2012 nêu trên, TAND Tối cao nên liệt kê đầy đủ hơn các mối quan hệ tình cảm được cho là thân thích giữa các chủ thể đã quy định.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự và hôn nhân gia đình, ĐH Luật TP.HCM

T.TÙNG ghi

TẤN LỘC

 

Nguồn: Theo Plo.vn