14 décembre 2016

Trung - Mỹ đang tìm cách thỏa hiệp sau hậu trường về Biển Đông?


Hồng Thủy
 

(GDVN) - Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng ngay quân sự hóa bất kỳ cấu trúc nào ở Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc cũng cần thông báo cho Mỹ về các cuộc tập trận...

Nhà báo Humphrey Hawksley, cựu Trưởng văn phòng đại diện BBC tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 11/12 có bài phân tích trên Nikkei Asian Review: Làm thế nào để giảm nhiệt căng thẳng ở Biển Đông?
 
Ông cho hay, có những dấu hiệu cho thấy một số cuộc thảo luận đằng sau hậu trường giữa giới hoạch định chính sách của Washington và Bắc Kinh, để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán chính thức Trung - Mỹ.
 
 


Mục đích của hoạt động này là ngăn chặn vấn đề khu vực trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trong tất cả các vấn đề phức tạp của quan hệ Trung - Mỹ, không có gì nguy hiểm bằng các tranh chấp phức tạp ở Biển Đông.

Trong những tuần gần đây, các cuộc thảo luận không chính thức giữa quan chức an ninh hai nước đã đề xuất, cần sẵn sàng đàm phán về vấn đề này.


Nhà báo Humphrey Hawksley thời còn làm đại diện cho BBC tại Bắc Kinh, ảnh: Getty Images.

 
Năm qua, Bắc Kinh đã cáo buộc người Mỹ gia tăng đáng kể hoạt động của hải quân và không quân trong khu vực. Ông Tập Cận Bình cảnh báo thẳng, Mỹ cần tránh xa châu Á, vì châu Á phải dành cho người châu Á.

Về phần mình, ông Donald Trump lên án Bắc Kinh xây dựng một tổ hợp quân sự khổng lồ trong vùng biển quốc tế, với tiền đồn trên 7 đảo nhân tạo (bất hợp pháp) đe dọa tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế và an ninh Đông Nam Á.

Thông điệp từ Bắc Kinh

Ông Ngô Sĩ  Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông có trụ sở tại Hải Nam, Trung Quốc nói với Nikkei Asian Review:

"Hai nước này (Trung Quốc - Hoa Kỳ) có nghĩa vụ phối hợp với nhau để bảo vệ hòa bình và ổn định cho cộng đồng quốc tế. Một vùng nhận diện phòng không được thành lập (ở Biển Đông) sẽ làm suy yếu sự tin cậy lẫn nhau.

Trung Quốc bây giờ thấy chưa có mối đe dọa an ninh nào, do đó Trung Quốc không cần phải công bố vùng nhận diện phòng không".

Ông Tồn đề nghị giới chức Trung Quốc "chỉ trang bị vũ khí đủ nhu cầu phòng thủ" ra các đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), đồng thời tiếp tục bảo vệ lập trường "3 không" với Phán quyết Trọng tài 12/7.

Ngô Sĩ Tồn cũng vạch ra một số yêu cầu mà Bắc Kinh muốn Washington thực hiện ở Biển Đông.

Thứ nhất, Trung Quốc muốn Mỹ giữ cam kết trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông Tồn cho rằng, kể từ sau khi có Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Mỹ đã tăng can thiệp.

Thứ hai, người Mỹ cần thuyết phục Trung Quốc rằng, họ không có ý định sử dụng vấn đề tranh chấp Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc.

Ngoài ra, Washington cần phải tự kiềm chế, không tiếp tục tiến hành các hoạt động thu thập tin tức tình báo rất gần bờ biển Trung Quốc, đe dọa an ninh quốc gia của nước này.

Tín hiệu từ nước Mỹ



Các nhà phân tích quốc phòng nói rằng, hình ảnh chụp từ vệ tinh và nguồn tin giám sát tình báo khác cho thấy, ra đa tấn công và nhà chứa chiến đấu cơ đã được xây dựng trên ít nhất 3 đảo nhân tạo ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.

Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc giấu tên cho hay: Mỹ sẽ xem xét việc triển khai máy bay chiến đấu và tên lửa (từ phía Trung Quốc ở Biển Đông).

Nguồn tin này cho biết, nếu các ra đa Trung Quốc lắp ở đảo nhân tạo để bắn hạ một tên lửa tấn công họ, điều đó có nghĩa là phòng thủ.

Nhưng nếu nó có thể sử dụng để đánh chìm một tàu khác, nó sẽ gây khó chịu (cho Mỹ) và sẽ cần phải được xử lý.

Đô đốc Dennis Blair, cựu Giám đốc Tình báo quốc gia và chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, Washington muốn thỏa thuận với Bắc Kinh rằng:

Trong bất kỳ tình huống nào, các tàu chở dầu đến Trung Quốc hay tàu chở hàng đến Đài Loan sẽ không bị ngăn chặn (khi đi qua Biển Đông).

"Chúng tôi sẽ đồng ý chính thức hoặc không chính thức với nhau rằng, đây sẽ là một cái gì đó hai nước cần tuân thủ, ngay cả khi xảy ra xung đột", Đô đốc Blair nói.

Trong một diễn đàn gần đây tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế ở Washington DC, ông Blair nói rằng, Mỹ sẽ loại bỏ hoặc chí ít là cắt giảm hoạt động trinh sát trên biển và trên không ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.

Washington cũng sẽ thông báo trước ho Bắc Kinh về các hoạt động quân sự diễn ra tại khu vực này.

Về phần mình, Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng ngay quân sự hóa bất kỳ cấu trúc nào ở Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc cũng cần thông báo cho Mỹ về các cuộc tập trận, hai bên giữ liên lạc ngay cả khi xảy ra khủng hoảng.

Nhân tố Donald Trump

Nhà báo Humphrey Hawksley cho hay, các chuyên gia quốc phòng Trung - Mỹ đã tích cực tham vấn, trao đổi lẫn nhau kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, nhấn mạnh một cảm giác cấp bách từ cả hai phía.

Ông Donald Trump và nhóm chuyển giao của mình đang gửi những thông điệp lẫn lộn tới Trung Quốc. 

Trong khi chọn "bạn cũ" của ông Tập Cận Bình - Thống đốc bang Iwoa, Terry Branstad làm Đại sứ mới tại Trung Quốc, thì Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu một dự luật trừng phạt Trung Quốc vì quân sự hóa Biển Đông. [1]



Và một diễn biến mới nhất xảy ra sau khi bài viết của Humphrey Hawksley được đăng tải, ông Donald Trump nói với Fox News Sunday rằng, Mỹ có thể xem xét lại nguyên tắc "một nước Trung Quốc" nếu Bắc Kinh không chấp nhận nhượng bộ trong một số vấn đề, bao gồm ngừng quân sự hóa Biển Đông.

Do đó, cá nhân người viết tin rằng, việc vận động hậu trường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhiều khả năng xảy ra theo nhận định của nhà báo Humphrey Hawksley, tuy nhiên mỗi bên đều có tính toán riêng.

Nhiều quan điểm hoài nghi Donald Trump vì phong cách "phi truyền thống" của ông ấy, nhưng có những chỉ dấu cho thấy ông rất quan tâm đến khu vực Đông Nam Á và Biển Đông.

Tiến sĩ Vương Tuấn Bình, Đại học Quốc lập Đài Loan ngày 7/12 nhận định trên trang theinitium.com: Donald Trump đang tập trung mạnh vào Biển Đông, Đài Loan trở thành quân cờ chiến lược. [2]

Trong ngày 2/12, cùng diễn ra các cuộc điện đàm giữa Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn còn có cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ với lãnh đạo Singapore và Philippines.

Tuy nhiên cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn đã lôi cuốn hầu hết sự chú ý của dư luận.

Ngày 4/12 Trump viết trên Twitter thông điệp đầu tiên của mình về Biển Đông sau khi đắc cử Tổng thống. Hôm qua 11/12 ông nhắc lại thông điệp này và gắn nó với vấn đề "nguyên tắc một Trung Quốc", hay con bài chiến lược Đài Loan.

Từ ngày 7/12, Tiến sĩ Vương Tuấn Bình đã đưa ra nhận định:

Trong quan hệ Mỹ - Đài - Trung, nguyên tắc "một nước Trung Quốc" là nhạy cảm nhất. Nguyên tắc này không cho phép Mỹ giao thiệp chính thức với Đài Loan. 

Một khi ông Donald Trump chính thức nghe điện mừng của nhà lãnh đạo Đài Loan, sẽ tạo thêm đòn bẩy chính trị cho Đài Bắc, đặc biệt kích thích Trung Quốc phải tính toán lại khả năng thỏa hiệp với Mỹ ở Biển Đông.

Bởi vậy theo ông Bình, rất có thể phương án Mỹ sẽ đưa ra cho Trung Quốc sau khi Trump nhậm chức, một là Bắc Kinh phải ngừng hoạt động cải tạo, quân sự hóa 7 đảo nhân tạo, hai là để Mỹ cùng tham gia quá trình xây dựng COC.

Ông Bình nhấn mạnh, với Trung Quốc, dù sao Đài Loan đã được công khai xác nhận là "lợi ích quốc gia cốt lõi" bằng giấy trắng mực đen, còn Biển Đông thì chưa. 

Việc Mỹ sử dụng con bài Đài Loan sẽ mang lại hiệu ứng không thể nghĩ bàn mà vấn đề Tân Cương, Tây Tạng hay Hồng Kông đều không bì kịp. [2]

Thẩm Đinh Lực, một Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải được Financial Times ngày 12/12 dẫn lời bình luận:

Lập trường của Donald Trump là có thể giao dịch bất cứ thứ gì, trong khi chính sách "một nước Trung Quốc" bản thân nó lại không rõ ràng.

"Chúng tôi vẫn duy trì quan hệ thương mại với Đài Loan, mặc dù không công nhận họ, và Mỹ vẫn bán vũ khí cho họ", ông Lực lưu ý. [3]

Vì vậy có thể thấy, từ nay đến khi Donald Trump chính thức bước vào làm chủ Nhà Trắng, ông có thể sẽ còn tung ra nhiều đòn thử bất ngờ nắn gân Trung Quốc ở Biển Đông, Đài Loan rất có thể là một lựa chọn chiến lược.

Tất nhiên, bất kỳ đòn nào được Donald Trump tung ra cũng là vì lợi ích nước Mỹ của ông trước hết. Tuy nhiên tác động của nó tới cục diện an ninh khu vực Biển Đông là rất rõ ràng, không thể không theo dõi, đánh giá.

Do đó người viết nghĩ rằng, nhiều khả năng các nhà hoạch định chiến lược Trung - Mỹ vẫn đang trong giai đoạn "nắn gân", thăm dò nhau chứ chưa chắc đã bước vào giai đoạn "thỏa hiệp".

Tài liệu tham khảo:




Hồng Thủy
 
Nguồn: Theo GDVN