27 juin 2017

Những điều cần làm rõ trong “biến cố” Đồng Tâm

 
Thiện Tùng



Tranh chấp ruộng đất giữa nhà cầm quyền với dân chỉ là “chuyện xảy ra hàng ngày ở huyện”. Nhưng sự tranh chấp đất ở Đồng Tâm thật sự trở thành một biến cố, gây náo động vượt biên giới. Nguyên nhân do trắc trách của nhà cầm quyền.

Không phải vậy sao ? – Từ  không giải quyết rạch ròi vụ khiếu kiện về đất dẫn đến Quân đội, Công an bắt và đánh người gây thương tích. Khi bị đẩy vào đường cùng, dùng áp lực số đông, người dân Đồng Tâm phòng vệ chính đáng, bắt 38 người gọi là “thi hành công vụ” để làm con tin và lập làng chiến đấu để mặc cả với chính quyền.



Qua theo dõi các nguồn thông tin, nhất là nghe toàn bộ băng video clip, tại tư gia của mình, cụ Lê Đình Kình trả lời phỏng vấn của phóng viên Vũ Hằng hôm 16/06/2017, người viết thấy cần tham kiến một số điều liên quan đến biến cố Đồng Tâm, với dụng ý góp phần giải nhiệt:

1/  “Có lửa mới có khói”. Cần điều tra làm rõ xem việc dân Đồng Tâm đòi 47,36 ha đất vốn đã giao cho Quốc phòng hay chỉ quyết giữ 59 ha đất nông nghiệp khác xưa nay thuộc quyền sử dụng của họ - Đây là nguyên nhân cội nguồn, dẫn đến 2 bên đánh, bắt người của nhau.
Đồng Sênh – khu đất tranh chấp

       

2/ Tìm xem, ai, cấp nào… chỉ đạo cho Nguyễn văn Tài, Trần Thanh Tùng đi xe biển đỏ cùng với đoàn xe 10 chiếc chở lực lượng hộ tống ra hiện trường cưỡng chế đất, dụ 4 người đại diện dân Đồng Tâm tách ra khỏi đám đông, đi xem cột mốc rồi bắt, đánh gây thương tích - Xe biển số đỏ là xe của Quân đội? Tại sao Quân đội tham gia làm việc trái chức năng, có dính líu gì với Viettel không?.
 
Ông Lê Đình Kình bị dụ dẫn đi chỉ cột móc. Tại cột móc số 15, ông bị đánh gãy xương đùi.

   

  

3/ Điều tra xem: Vì sao dân Đồng Tâm dám to gan bắt người “thi hành công vụ”?. Và hỏi Cảnh sát Cơ động, dũng khí ở đâu mà để người dân bắt dễ dàng như vậy? Chỉ bị giam lỏng ở nhà Văn hóa xã sao không đào thoát? 

 Nghĩ gì, hiểu sao về lời kể của ông Kình qua băng video clip, đại ý: Gần giữa trưa ngày 15/4/2017, tại cột mốc 15, tôi bị sĩ quan Trần Thanh Tùng đạp bay, khiến tôi bị gãy xương đùi, bị vứt lên xe như một con vật, bị còng tay và nhét giẻ vào mồm. Họ không đưa tôi vào bịnh viện mà đưa đến trụ sở CA để điều tra. Sau đó họ mới đưa tôi vào bịnh viện 108. Lực lượng bắt tôi nói với bịnh viện nầy: “Đây là đối tượng nguy hiểm, gây mất trật tự công cộng”. Tôi nói lại: “Tôi 82 tuổi đời 55 tuổi đảng, tôi chống tham nhũng đất đai chớ có làm chi mà nói tôi làm mất trật tự công cộng, đánh tôi gãy xương đùi?!”. Ở đây, họ không xử  lý vết thương, tôi đành phải nằm chờ trong đau đớn. Hơn một ngày sau – tức chiều 16/4/2017, ông Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thứ trưởng Công an, Giám độc Công an Hà Nội đến bịnh viện 108 thăm tôi và lịnh chuyển tôi sang bịnh viện Việt Đức – nơi giỏi về chấn thương chỉnh hình, để chữa trị. Họ động viên tôi: “nhanh chóng hồi phục sức khỏe để tiếp tục những việc dang dở”. Ngày 18/4/2017 – sau hơn 3 ngày từ khi bị đánh, bịnh viện Việt Đức mới giải phẩu vết thương cho tôi. Sau phẩu thuật, ông Chung đến tặng cho tôi chiếc xe lăn. Trước khi xuất viện, ông Chung lại đến nhờ tôi “tư vấn” tháo gỡ bế tắc. Tôi chân thành trao đổi với ông ấy. Tôi xem ông Chung là ân nhân cứu mạng, tôi không thể nào quên ơn ông ấy.

Ngày 22/04/2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội, đến xã Đồng Tâm ký  bản cam kết gồm 3 điểm:

- Trực tiếp chỉ đạo điều tra khu vực đất Đồng Sênh, xem đâu là đất Quốc phòng, đâu là đất Nông nghiệp’

- Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

- Chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình  theo quy định của pháp luật.


 Bản cam kết viết tay, có điểm chỉ ở mặt sau của ông Nguyễn Đức Chung, có 3 dân biểu Quốc hội cùng ký. Bà Nguyễn thị Lan, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, tuyên đọc nó qua loa phóng thanh, hàng ngàn người dân hoan hô, vỗ tay.




Theo đề nghị của Công an Hà Nội, ngày 16/4/2017, viện Kiểm sát Nhân dân Hà nội ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giam giữ ông Kình ( theo Vietnam Net).

Ngày 13/06/2017, CA TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm trong vụ “bắt người thi hành công vụ” trái phép. Sau khi công bố quyết định khởi tố nầy, dư luận trong và ngoài nước bàn tán xôn xao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN lên tiếng:  “Việc bắt giữ người ‘thi hành công vụ’ trái phép phải được xử lý nghiêm theo pháp luật”. Ông Nguyễn Đức Chung thì nói đại ý: “Quyền khởi tố thuộc về bên Tư pháp, còn ông bên Hành pháp không có quyền can dự”.

Khi nhận được thông tin Công an Hà Nội quyết định khởi tố Nhân dân Đồng Tâm, dư luận nhao lên: Tại sao nhà cầm quyền cưỡng chiếm đất của dân, cho người vô cớ bắt dân giam cầm, đánh đập mang thương tích mà không truy tố, lại chỉ truy tố người dân hành động tự vệ khi lâm vào bước đường cùng, bắt “những con nợ” giam lỏng trong nhà Văn hóa, hàng ngày phải lo ăn, lo mặc… cho họ?!. Khi trao trả họ lành lặn, mặc cảnh phục chỉnh tề, tỏ thái biết ơn dân làng nuôi dưỡng, đối xử tử tế đối với họ.

Một Cảnh sát Cơ động cúi đầu cảm tạ dân làng Đồng Tâm khi được phóng thích hôm 22/4/2017 - Ảnh Reuters/kham


                    

Có người cho rằng: “Công an Hà Nội khởi tố là để lấy lại uy tín cho mình”. Người khác phản bác: “Công an Nhân dân là con em của nhân dân, dân phải còng lưng đóng thuế nuôi chúng, đứa nào tham gia làm chyện sai quấy, dân có quyền bắt về dạy dỗ cho nó nên người. Uy tín của chúng chó ăn hết rồi, nào ai có cướp mà đòi lấy lại?!”. 

Qua sự góp ý của lão Kình, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến Đồng Tâm thương nghị, làm bản cam kết 3 điểm như đã kể là đạt lý thấu tình mọi sự bắt nguồn từ tranh chấp đất, phải điều tra làm rõ đâu là đất Quốc phòng, đâu là đất Nông nghiệp; còn việc đánh, bắt người, ai sai đều phải bị xử lý theo pháp luật. 

Ông Lê Đình Kình nói: “Tôi luôn tin tưởng ở Đảng, có Đảng là có tất cả”, “Ông Chung là ân nhân cứu mạng, tôi không thể nào quên ơn ông ấy”..v.v… Giờ đây có lẽ cụ Kình đau lắm, ngoài đau về vết thương hành hạ, còn đau về việc trả giá cho sự trung thành không cần thiết - dầu có sám hối cũng đã muộn.


25/06/2017

     T.T