13 octobre 2017

Đọc “ cảm thán đôi điều “ của Hạ Đình Nguyên lại nhớ đến “ Đèn cù “ của Trần Đĩnh.

Lê Phước Tùng



Tôi vừa xem bài của ông Hạ Đình Nguyên “ Cảm thán đôi điều chuyện GS Tương Lai tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng của Nguyễn Phú Trọng...”, đăng trên Bauxite VN 10-10-2017. Là người đã từng trải qua hai cuộc chiến, tuổi đã ngoài 80, tôi rất tâm đắc với đoạn viết của ông Nguyên : ”Chiếc thuyền nan đã cũ, dù đã vượt qua nhiều đoạn thác ghềnh thì cũng không thể ra đến biển cả. Nó không chở nổi tư duy của thời đại, huống gì nó lại đã bị người ta thao túng. Không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng. Chỉ có niềm tin là đáng nuôi dưỡng“. Tôi bất giác nhớ đến tùy bút “ Đèn cù “ của ông Trần Đĩnh.




Những người mới đọc xong vài chương của “ Đèn cù “ đều không hiểu tại sao Trần Đĩnh lại đặt tên tác phẩm của ông ấy là “ Đèn cù “.

Theo nghĩa đen, Đèn cù còn gọi là Đèn kéo quân, một loại đèn dân gian, làm bằng tre và giấy, ngày xưa thường treo trước cửa nhà cho thiếu nhi vui chơi Tết Trung thu. Đèn thường bán ở Phố Hàng Mã, Hànội. Đèn hình vuông, bốn mặt là bốn màn hình bằng giấy bóng kính màu trắng. Khi đèn được thắp sáng bằng nến, tạo ra dòng khí đối lưu thì các hình con rối bằng giấy với các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng, dán trên chiếc vòng bằng tre bên trong xoay tròn liên tục, duy nhất theo một chiều, không cần người điều khiển. Các tấm hình thường là hình Vua, Quan, Công chúa, Phò mã, Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt … hiện lên liên tục trên bốn mặt màn hình bên ngoài đèn, vì thế được gọi là đèn kéo quân hoặc đèn cù.

Dân gian đã có câu ca dao, thường hát với trống cơm để tặng Đèn cù :

“ Khen ai khéo xếp ( ô- i- a ) cái Đèn cù,

Voi giấy ( ơi- a ) Ngựa giấy ( ơí-a ) tít mù nó lại vòng quanh,

Bao giờ (í-ơ) em bén cái duyên ( ờ ) anh ? “

Trong tùy bút của mình, Trần Đĩnh mượn hình ảnh cái Đèn cù không để diễn tả tác phẩm của ông theo nghĩa đen mà theo nghĩa bóng.

Hầu hết những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, kể cả Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh, tuy là những người yêu nước nhưng cái Trí không theo kịp cái Tâm, không thể tự tại, phải tự nộp mình cho các lãnh tụ quốc tế cộng sản điều khiển. Họ lại rất nhiều tham vọng nên luôn luôn chuyển hướng chính kiến, thay đổi bạn- thù xoành xoạch. Khi thì họ suy tôn Stalin và Mao là Anh và Chị, tự nhận thân phận đàn Em, xung phong lãnh trách nhiệm bắt dân Việt làm tên lính xung kích “ Đánh Mỹ là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô “. Khi thì họ ghét Liên Xô, bám theo Trung cộng. Khi thì họ ghét Trung cộng, bám theo Liên Xô. Mỗi lần họ thay thầy đổi chủ thì hàng vạn, hàng triệu người dân và lính nước Việt chết oan.

Một số đảng viên cộng sản Việt Nam có trí khôn, cũng biết rằng khi chui vào cái đảng bát quái đó thì sẽ có ngày càng trở nên suy đồi nhưng vì miếng mồi đặc quyền đặc lợi và danh vọng quá hấp dẫn nên khó cưỡng lại, trở thành những quan ngu, quan tham.

Lại buồn cho dân ta,  dân trí chưa đủ tầm để tự tại và bị lừa bịp, đành phải gắn vận mệnh của mình vào các lãnh tụ và các quan cộng sản, để trở thành những hình nộm Xe, Pháo, Mã, Tốt, suốt đời cầm cờ chạy quanh Vua, Quan cộng sản như những con rối trong cái Đèn cù

Trong “ Đèn cù “, tác giả đã viết một đoạn đáng để chúng ta cùng suy nghĩ :
Người ta lừa bịp đại trà được là nhờ khai thác những bản năng thấp hèn của con Người là cái Sợ và lòng Tham, để biến đời ta thành con rối “. 

Vậy thì muốn thoát ra khỏi cái kiếp suốt đời làm con rối cầm cờ chạy quanh trong chiếc Đèn cù thì phải tự giác ngộ được những quyền tự do của con người là tất yếu, chiến thắng được lòng tham và cái sợ.

Lê Phước Tùng