24 février 2018

Lời thẳng về 2 dự án bauxite: TKV có muốn dừng?

Hai dự án bauxite Tây Nguyên đối diện với nhiều nguy cơ ô nhiễm

PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển: "Bất cứ dự án nào thí điểm mà không hiệu quả thì nên dẹp bỏ luôn để tránh việc phải chịu thêm thua lỗ, nhất là về tài chính khi ngân sách nhà nước đang còn khó khăn trăm bề. Mặt khác, đời sống người dân cũng không bị tác động và lo lắng trước mối nguy hại rình rập từng ngày."



Theo thông tin trên báo chí, mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ gửi Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo nêu rõ, trong quá trình sản xuất, dự án đã xảy ra sự cố 3 lần nhưng được khắc phục kịp thời. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng ''trong tương lai, dự án vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm và sự cố môi trường có thể xảy ra''.

 Bộ TN-MT chỉ có trách nhiệm giám sát


Trao đổi với Đất Việt về thông tin trên, ngày 21/2, ông Tăng Thế Cường - Chánh văn phòng Bộ TN-MT cho biết: "Việc xử lý và đưa ra các phương án tiếp theo là bên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đảm nhận còn bên Bộ chỉ giám sát, kiểm tra, chỉ ra các tồn tại ở các dự án.

Bây giờ khi đã có kết luận thì bên TKV có trách nhiệm thực hiện rồi sau đó chúng tôi sẽ kiểm tra sau".

Cũng chia sẻ thêm, ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết: "Vấn đề này Bộ đã phân công cho Tổng cục môi trường làm tổ đặc cách giám sát thường xuyên cùng với TKV và địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Tổng cục môi trường cũng đã thành lập tổ giám sát thường xuyên mọi hoạt động của hai dự án, kể cả những nguy cơ có thể xảy ra.

Chính vì thế về vấn đề này, bên phía Tổng cục môi trường nắm các thông tin sát hơn, cụ thể hơn".


Đừng cố đấm ăn xôi


Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Nguyên Viện trưởng Viện khoa học địa chất và khoáng sản cho biết: "Tôi thấy kết luận của Bộ TN-MT là hoàn toàn chính xác. Tôi không bất ngờ vì theo tôi việc đưa ra chỉ là sớm hay muộn.

Như tôi đã từng nói với công nghệ sản xuất lạc hậu của Trung Quốc thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, dù có khắc phục thì cũng chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững.

Còn điểm quan trọng nhất vẫn là công nghệ, cũng giống như đi khám bệnh muốn khỏi thì phải tìm nguyên nhân chứ không phải triệu chứng".

Về trách nhiệm cho những nguy cơ sẽ xảy ra trong tương lai theo ông Khiển chủ đầu tư chính là TKV phải gánh chịu tất cả về hiệu quả của dự án đó và lên kế hoạch, đưa ra các giải pháp khắc phục sự cố có thể xảy ra, dưới sự giám sát của Bộ TN-MT.

"Theo tôi, bất cứ dự án nào thí điểm mà không hiệu quả thì nên dẹp bỏ luôn để tránh việc phải chịu thêm thua lỗ, nhất là về tài chính khi ngân sách nhà nước đang còn khó khăn trăm bề. Mặt khác, đời sống người dân cũng không bị tác động và lo lắng trước mối nguy hại rình rập từng ngày.

Bởi vì ban đầu khi ký phê duyệt triển khai dự án Chính phủ cũng nói rõ là thí điểm, chứ không phải khai thác bauxite để làm kinh tế, mà thí điểm bị lỗ, sự cố môi trường nhiều thì không cần làm nữa.

Thế hệ về sau trong tương lai sẽ có những cải tiến chống được việc thất thoát tài nguyên, giải quyết vấn đề môi trường, còn công nghệ lạc hậu như hiện nay thì không bao giờ đáp ứng được mục tiêu hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường.

Nói thẳng ra là đừng nên cố đấm ăn xôi, tôi đã nói nhiều lần về 6 vấn đề bất cập không nên triển khai dự án bauxite Tây Nguyên trong thời điểm hiện tại, chưa làm thì tài nguyên vẫn còn đó", ông Khiển khẳng định.


Nên dừng dự án


Ở góc độ khác, trong báo cáo của Bộ TN-MT có yêu cầu các bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ xem xét, hướng dẫn chủ dự án xử lý khối lượng lớn bùn đỏ, tro xỉ thải để tái sử dụng các loại chất thải này nhằm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho dự án.

Theo vị chuyên gia trên, hồ bùn đỏ chính là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro rõ ràng nhất của dự án trên, đây là quả bom nổ chậm với vùng hạ du, ô nhiễm nước ngầm vùng xung quanh. Thêm nữa, vừa qua lượng bột trắng bị phát tán, mà các giải pháp xử lý mới chỉ là tạm thời.

Cho nên dự báo một tương lai vừa ô nhiễm bầu không khí, ô nhiễm mạch nước ngầm.

"Tôi nhắc lại quan điểm của riêng tôi là nên dẹp bỏ để tránh thiệt hại về nhiều mặt. Còn kiến nghị tái sử dụng chất thải của nhà máy bauxite mà Bộ TN-MT đưa ra chỉ là nước đôi, vẫn đồng ý cho triển khai nhưng với điều kiện đảm bảo môi trường.

Thế nhưng việc tái sử dụng các loại chất thải theo tôi là không làm được, với điều kiện thiết bị như hiện nay cực kỳ khó khăn.

Tôi nói ngay một nghiên cứu về sử dụng bùn đỏ làm trong phòng thí nghiệm được đánh giá có kết quả tốt nhưng đó là quy mô nhỏ, còn triển khai dạng công nghiệp chắc chắn không được, đó là câu trả lời vì sao các nước tiên tiến không làm việc đó.

Công trình đó chỉ là chữa ngượng chứ không giải quyết vấn đề gì, vì nó chỉ là quy mô phòng thí nghiệm, khác với triển khai thực tế nhiều yếu tố chi phối. Hay nói ngay như các dự án bauxite của Hungary, Australia, Brazil họ vẫn phải để bùn đỏ lại rồi xử lý, chứ không tái chế được", ông Khiển khẳng định.

Châu An
http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/loi-thang-ve-2-du-an-bauxite-tkv-co-muon-dung-3353169/