27 mars 2018

LÀM NGƯỜI "LIÊM CHÍNH" KHÓ VẬY SAO ?

Bích Diệp






Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, một vị cựu Đại biểu Quốc hội đã nhận xét, kết quả này không bất ngờ.

Ông Lịch nói thẳng: “Ngay từ khi Chính phủ đưa ra hành động này, tôi cũng cho liêm chính là khó nhất vì với chế độ đãi ngộ hiện nay yêu cầu công chức hoàn toàn liêm chính là khó. Nếu không cải cách chế độ tiền lương, có trình độ đại học đi làm lương hơn 3 triệu/tháng thì hoàn toàn liêm chính mẫn cán công vụ kiểu gì đây?”.

Người viết rất tán đồng với ý kiến của ông Trần Du Lịch. Bởi lý thuyết chúng ta nói chống tham nhũng, đạo đức dạy chúng ta “giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, nhưng thực tế, thật khó để hái được “hoa hồng” khi hàng triệu người trong bộ máy công quyền vẫn còn ám ảnh trong tâm trí về hình ảnh của những chiếc “bánh mỳ”.

Thu nhập thấp, đồng lương công chức vốn gắn với cụm từ “ba cọc, ba đồng” có thể không phải là tất cả, nhưng là nguyên nhân lớn dẫn đến động cơ “kiếm chác” của công chức, phổ biến nhất là nạn tham nhũng vặt.

Tờ Vietnamnet ngày 7/11/2017 tường thuật lại phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và phòng chống tham nhũng của Quốc hội có cho biết, tại phiên họp này, Chánh VP Đảng uỷ, VPQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đã bức xúc trước tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào mọi ngõ ngách, mọi địa phương và khắp các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng.

Ông Hạ dẫn chứng: Ngoài đường, người vi phạm giao thông được “thông cảm” bỏ qua khi thoả thuận nộp phạt không lấy hoá đơn; trong nhà trường việc lạm thu, chạy lớp, đổi phong bì lấy điểm vẫn còn; tại bệnh viện thì lo lót tay để được điều trị cho người nhà tốt hơn.

Trong cơ quan Nhà nước, thủ tục còn nhiêu khê, phiền hà. Chuyện hồ sơ, thủ tục làm xong bị trả về, làm lại nhiều lần nhưng không được hướng dẫn kỹ lưỡng, muốn nhanh, muốn thuận lợi phải có bồi dưỡng, thậm chí đến khai tử cũng phải có phong bì…

“Con tàu có thể đắm vì nhiều lỗ rò nhỏ” là điều mà vị đại biểu lo lắng. Do đó, theo ông Hạ, cần tạo môi trường để ở đó cán bộ không còn cơ hội tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.

Môi trường đó, người viết cho rằng, phải là nơi mà sức lao động được trả công xứng đáng, chứ không thể tạo ra những công việc “vác tù và hàng tổng”, “việc nặng mà lương thấp” được.

Không đâu xa, Singapore – quốc gia đứng thứ 6 trong số các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới năm 2017 (theo khảo sát của Transparency International) là minh chứng cho quan điểm: Mức lương cao sẽ giúp các quan chức tránh được nạn tham nhũng, hối lộ cũng như thu hút và giữ chân được các nhân tài.

Tuy nhiên, cũng phải nói một cách đầy đủ rằng: Những nỗ lực tăng lương sẽ rất khó đạt được như kỳ vọng khi mà ngân sách phải oằn lưng gánh một khối lượng tới hơn 11 triệu người hưởng lương. Trong đó có những đối tượng mà báo chí phải dùng đến kiểu ví von “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, mà nói trắng ra là “ngồi mát ăn bát vàng”, chẳng làm mà cũng có ăn, trong khi nhiều công chức mẫn cán, thực sự liêm chính thì phấn đấu cả đời chẳng thể mua nổi một chiếc ô tô hay xây một căn nhà phố.

Do đó, cùng với một mức lương hợp lý là một cơ chế giám sát đảm bảo sự độc lập và minh bạch. Khi đó, có lẽ cũng chẳng ai tò mò về biệt phủ, xe sang và cũng không ai phải viện dẫn việc bán chổi chít, chạy xe ôm… để thanh minh cho nguồn gốc tài sản của mình.

Bích Diệp
Nguồn: Dantri