23 mars 2018

LẦN ĐẦU ĐƯỢC KHÓC CÔNG KHAI!


Ba con mất đi chỉ có gia đình,
mẹ con con chịu thiệt thòi, 
mất mát…”. (Ảnh: First News)

Lá thư xúc động viết ngày 27/7/2015 sau cuộc đấu giá bức tranh”‘Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu 64 liệt sĩ – bức thư không được duyệt đưa vào trong cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” đang xin giấy phép sắp in – của Trần Thị Thủy con gái liệt sỹ Trần Văn Phương – người giữ cờ trên đảo Gạc Ma.

Vào giây phút cuối cùng lúc 7 giờ sáng ngày 14/3/1988 trên bãi đá ngầm san hô Gạc Ma, Trung úy Trần Văn Phương sau cuộc chiến giữ cờ đã trúng đạn của quân thù cùng 63 đồng đội của mình vĩnh viễn ngã xuống, bàn tay đầy máu vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc – anh vẫn không hề biết vợ anh đã mang giọt máu của mình và có thai hơn một tháng. Và sau đó, đứa con gái Trần Thị Thuỷ duy nhất của anh đã lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy và gọi tiếng cha con.



Lần cùng mẹ được mời vào Sài Gòn dự buổi đấu giá bức tranh “Gạc Ma -Vòng tròn bất tử” và Đại lễ tưởng niệm cầu siêu đầu tiên cho 64 liệt sỹ Gạc Ma tối ngày 22/7/2015trên 3.000 người tại Chùa Vĩnh Nghiêm, tất cả mọi người đã vô cùng xúc động khi chứng kiến chị Trần Thị Thuỷ và mẹ ôm nhau khóc ngất khi xem clip Trung Quốc xả súng bắn chết cha và chồng mình cùng những người lính trên đảo Gạc Ma.

Sau đó ít ngày, những người tổ chức chương trình đã nhận được lá thư xúc động của cô gửi cho Ban tổ chức, xin được đăng nguyên văn bức thư của cô:

“Vừa qua, con được tham dự đại lễ cầu siêu cho anh linh của ba con cùng những đồng đội đã hi sinh tại Chùa Vĩnh Nghiêm và nhân đây con cùng gia đình những đồng đội của ba được nhận sự ủng hộ từ số tiền bán đấu giá bức tranh “Gạc ma – Vòng tròn bất tử” của Ban tổ chức.

Trước hết, con xin được thay mặt gia đình cảm ơn sự động viên, quan tâm của tất cả mọi người. Xin được gửi lời cảm ơn tới Ban Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm cùng toàn thể tăng ni phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức một buổi đại lễ cầu siêu cho linh hồn của ba con và đồng đội, đây là một đại lễ lớn nhất và diễn ra đầu tiên kể từ khi ba con nằm xuống, đã 27 năm rồi, thời gian trôi qua không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng không phải là ngắn đối với gia đình chúng con; những gia đình mất đi người thân, người mẹ mất con, người vợ mất chồng và những đứa con vĩnh viễn không bao giờ được gặp người cha thân yêu của mình. Đó chính là nỗi đau thương thiệt thòi quá lớn mà không gì có thể bù đắp được.

27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một buổi đại lễ cầu siêu nào để cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân minh hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo, băng giá. Cho tới ngày hôm nay con mới được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sỹ khác.

Xin cảm ơn họa sĩ Bùi Lệ Trang, người đã vẽ lên bức tranh bằng những đường nét sắc sảo để có một bức tranh mang đậm chất nhân văn và đánh vào lòng tự trọng của những kẻ đã đang tâm ăn cướp của người khác.

Cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News), người đã lên ý tưởng đầu tiên và đứng ra tổ chức, vận động những người yêu nước… tổ chức thực hiện thành công chương trình đấu giá bức tranh “ Gạc ma – Vòng tròn bất tử”, Lễ tưởng niệm và trao toàn bộ số tiền cho 64 gia đình liệt sỹ, một việc làm hết sức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là sự động viên lớn cho những gia đình như chúng con trong dịp 27/7 này.

Nhân dịp này không chỉ gia đình con mà cả gia đình của 63 liệt sĩ khác lần đầu được công khai khóc cho những người chồng, người cha của mình mà không phải sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào. Thiết nghĩ, cha mình hy sinh không tiếc bản thân mình cho Tổ quốc; không phải là để ghi danh hay gia đình đòi hỏi bất cứ một thứ gì, nhưng thời gian qua kể từ lúc cha con hi sinh gia đình con rất ít khi được nhận sự quan tâm của Nhà nước. Thi thoảng chỉ là những dịp lễ, ngày thương binh liệt sỹ; thế nhưng dần dà càng về sau thì càng bị quên lãng.

Ba con mất đi chỉ có gia đình, mẹ con con chịu thiệt thòi, mất mát. Một mình mẹ phải gánh vác mọi việc trong gia đình, ruộng vườn cày cấy, làm thuê cuốc mướn vất vả khó nhọc để có tiền nuôi con ăn học trưởng thành. Bởi vì với những đồng tiền trợ cấp ít ỏi của con không thể đủ để cho mình con ăn học. Bản thân mẹ không được nhận trợ cấp cho đến năm 2009, qua bao nhiêu lần ngược xuôi làm giấy tờ thủ tục thì mới được hưởng. mọi khó khăn khổ nhọc trong cuộc sống có lẽ là mẹ đã trải qua không bỏ sót cái nào.

Trong những năm trước, có thể nói nhắc đến sự kiện 14/3/1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến quan hệ ”quốc gia láng giềng tốt đẹp” giữa mình và một đất nước đã đang tâm cướp đi bao sinh mạng, bao người thân yêu của chúng con. Với tư cách là một người con mất cha, con cảm thấy rất căm thù kẻ thù, lòng căm hận sôi sục nhưng tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của chúng.

Chúng ta kìm nén, chúng ta nhường nhịn và chúng ta nhẫn nhục mãi cho tới tận ngày hôm nay để chúng ta nhận được những gì, cũng không có gì thay đổi, vẫn là sự ngang nhiên xâm chiếm, vẫn là sự ngang tàng táo tợn khó hiểu của những kẻ bộc lộ rõ bản chất xấu xa với những ý đồ nham hiểm trên vùng biển của ta; làm hại người dân của ta.

Cho tới ngày hôm nay khi được tự do nói đến, khi được một số cơ quan, đoàn thể quan tâm đến thì có một số người cha người mẹ của liệt sỹ đã mất vì già yếu, bệnh tật. Cũng có một số thương binh trở về từ cuộc chiến đã mất, những người còn sống cũng chưa được hưởng chế độ gì, hoặc nếu có thì phải trải qua bao khó khăn mới có được như mẹ con.

Những điều tâm sự con nói ở đây không phải là để chỉ trích toàn bộ hệ thống mà đây là một số bộ phận, cơ quan nhà nước và những cá nhân tắc trách trong công việc. Họ không hề biết rằng ai đã hi sinh ai đã đổ máu để lại phía sau là gia đình, là vợ góa con côi, mẹ già côi cút để cho họ có quyền được sống và ngồi đó hưởng sự sung sướng. Họ hạch sách và đòi hỏi đủ điều để phục vụ cho lợi ích của họ.Đây chính là điều mà con cảm thấy không được hài lòng nhất trong thời gian qua. Cha con và đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc, để lại cho người thân của họ những nỗi đau không gì bù đắp được, thế nhưng khi những người còn sống đã chịu nhiều đau thương mất mát thì lại không được quan tâm chia sẻ, động viên.

Không phải đòi hỏi nhưng đó là quyền lợi mà những người thân như gia đình chúng con cần được có; chúng con cần những lời động viên , cần sự quan tâm và cần sự chia sẻ để lấy đó làm niềm an ủi tinh thần mà vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống; và con nghĩ mọi sự chia sẻ ấy sẽ làm yên lòng người đã khuất, và ấm áp lòng người còn sống.

Cho nên trong dịp này, một đại lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ và một cuộc đấu giá để hỗ trợ cho gia đình là rất có ý nghĩa. Một lần nữa con xin cảm ơn tấm lòng quan tâm chia sẻ của tất cả mọi người.”


Trần Thị Thuỷ

Trung úy Trần Văn Phương và vợ bên những
lá thư gia đình. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Trung úy Trần Văn Phương và vợ. (Ảnh do gia đình cung cấp)